Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chiếm 2,91% số phải thu.
TTXVN - Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Bảo hiểm Xã hội là khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác này, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ, quyết liệt trong công tác thu và thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Số tiền chậm đóng chỉ chiếm 2,91% số phải thu
Cùng với bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình phục hồi sản xuất, kinh doanh trong nước. Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, suy giảm khả năng thanh toán và mất cân đối dòng tiền, dẫn đến chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong đó chủ yếu tiền chậm nộp mang tính chất “luân phiên”.
Nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người tham gia, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đôn đốc, hướng dẫn toàn ngành, đặc biệt là Bảo hiểm Xã hội các địa phương thường xuyên bám sát, tập trung ưu tiên nguồn lực, thực hiện triệt để các giải pháp để thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế một cách hiệu quả nhất, kịp thời nhất.
Ngành chủ động xây dựng kịch bản linh hoạt, phù hợp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan như Thuế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an..; phân công cán bộ bám sát, đôn đốc doanh nghiệp nộp đủ số tiền phát sinh trong tháng và số tiền chậm đóng tháng trước; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra chuyên ngành; kịp thời lập hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với doanh nghiệp cố tình vi phạm….
Với những nỗ lực trên, tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến hết năm 2022, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chỉ chiếm 2,91% số phải thu. Đây là tỷ lệ số tiền chậm đóng/số phải thu thấp nhất từ năm 2016 (6%) trở lại đây. Trong đó, có 75,5% là tiền chậm nộp mang tính chất “luân phiên” của những doanh nghiệp đang hoạt động.
Ngăn chặn tình trạng chậm đóng, bảo vệ quyền lợi người lao động
Với quan điểm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn thực hiện giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội cũng như kịp thời đề xuất, tham mưu với bộ, ngành liên quan để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những lao động này theo quy định. Trong trường hợp cần chi trả chế độ cho người lao động tại các doanh nghiệp đang hoạt động, chậm nộp mang tính chất “luân phiên”, cơ bản các đơn vị đều thực hiện theo quy định và được giải quyết kịp thời.
Cùng với đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn quan tâm giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại các đơn vị phá sản, giải thể.
Số liệu thống kê cho thấy, trong số 206.468 lao động tại các đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, ngừng hoạt động, đơn vị không còn người đại diện pháp luật (chủ bỏ trốn), đến nay, cơ quan Bảo hiểm Xã hội đã giải quyết cho 30.241 người hưởng các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, bảo hiểm xã hội một lần; 34.575 người lao động được xác nhận quá trình đóng đang bảo lưu; 77.627 người lao động đã được xác nhận quá trình đóng, hiện đang tiếp tục tham gia tại đơn vị mới (đã cài đặt phần mềm VssID - ứng dụng số trên nền tảng thiết bị di động).
Số còn lại nếu đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, cơ quan Bảo hiểm Xã hội sẽ tiếp tục giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động theo quy định.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động, mà còn tác động đến công tác an sinh xã hội tại các địa phương.
Nhằm tiếp tục tăng cường công tác thu, thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị, bên cạnh sự nỗ lực, quyết liệt của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm chấp hành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đúng quy định của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Các sở, ngành địa phương cần phối hợp chặt chẽ để nắm bắt thường xuyên tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, chủ động, tích cực bảo vệ quyền lợi người lao động./.