Tỉnh Thanh Hóa sẽ đưa tiêu chí đóng đúng, đóng đủ, kịp thời bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm của từng đơn vị.
Để kịp thời chấn chỉnh và thực hiện nghiêm chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn yêu cầu Giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc trích nộp bảo hiểm trong các đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, Giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc nghiêm túc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời đôn đốc thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp sử dụng nguồn kinh phí để trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị mình.
Trên cơ sở danh sách các đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (nếu có) do cơ quan Bảo hiểm xã hội cung cấp, tỉnh sẽ xử lý nghiêm hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tỉnh cũng sẽ đưa tiêu chí đóng đúng, đóng đủ, kịp thời bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm của từng đơn vị.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện của các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 16/5/2023.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tình trạng chậm trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động có chiều hướng gia tăng, trong đó có các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh, hiện vẫn còn 293 đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 19 tỷ đồng. Trong đó, có một số đơn vị chậm đóng trên 3 tháng như: Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng (thành phố Thanh Hóa) chậm đóng 3,07 tỷ đồng do đơn vị tiếp nhận bàn giao số tiền chậm đóng của Ban giải phóng mặt bằng và tái định cư thành phố Thanh Hóa từ tháng 8/2022; Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa) chậm đóng 295 triệu đồng; Đoàn Quy hoạch và Thiết kế thủy lợi Thanh Hóa chậm đóng 167 triệu đồng... Bên cạnh đó, tỉnh còn có hơn 2.000 đơn vị khối doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 314 tỷ đồng. Việc chậm trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia các loại bảo hiểm này và công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong tháng 4/2023, HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức phiên giải trình với các nội dung cụ thể: Việc thực hiện các quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực trạng chậm đóng và nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài trên địa bàn tỉnh; nguyên nhân, trách nhiệm và những giải pháp khắc phục tình trạng trên. Để chuẩn bị nội dung cho phiên giải trình, Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh đang làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh, các đơn vị liên quan và một số địa phương về tình trạng chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài./.