Tại Bình Dương, một số doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn về đơn hàng; dự báo tình hình lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp sau ngày 5/2 sẽ ổn định.
TTXVN - Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, 86% công nhân lao động đã quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão. Đến 16 giờ ngày 30/1, tình hình lao động trở lại làm việc tương đối ổn định, đáp ứng được dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp và không có biến động lớn về lao động.
Số doanh nghiệp còn lại có kế hoạch hoạt động từ ngày 1 đến 15/2; một số doanh nghiệp mới trở lại hoạt động ở khối văn phòng, khối kỹ thuật, khởi công lấy ngày tốt. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nghỉ bảo dưỡng theo chu kỳ hàng năm.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết thực hiện chỉ đạo của tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngay từ cuối quý IV/2022, Sở đã ban hành các văn bản đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động dưới nhiều hình thức. Qua đó, người sử dụng lao động nắm rõ về thời gian nghỉ Tết theo quy định của Bộ luật Lao động; sớm thông báo công khai cho người lao động về kế hoạch trả lương, trả thưởng cũng như các khoản trợ cấp, hỗ trợ khác trong dịp Tết; đặc biệt quan tâm những lao động không về quê trong dịp Tết Nguyên đán.
Sở tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường các hình thức khảo sát, nắm tình hình nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động để nhanh chóng thực hiện kết nối cung - cầu lao động, người lao động có thể tiếp cận việc làm nhanh chóng, thuận lợi… Theo khảo sát, số lao động trở lại làm việc vào ngày 30/1 tương đối cao, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn có một số doanh nghiệp đang rất khó khăn về đơn hàng. Dự báo tình hình lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp sau ngày 5/2 sẽ ổn định.
Theo khảo sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong quý I/2023 là khoảng hơn 10.000 lao động, trong đó tuyển mới chiếm khoảng 35%, chủ yếu để bù đắp số lao động không trở lại làm việc (khoảng 80% là lao động phổ thông nhưng sẽ yêu cầu kinh nghiệm hoặc có tay nghề). Ngành nghề chủ yếu vẫn là may mặc giầy da và một số ngành khác như điện tử, cơ khí, ngũ kim và một số ngành dịch vụ...
Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đầu năm với số lượng lớn như Công ty Trách nhiệm hữu hạn New Wide Việt Nam tuyển 940 lao động, Công ty May Esprinta VN tuyển 500 công nhân may có tay nghề, Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Accasette tuyển 200 công nhân may có tay nghề, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giant Manufacturing Việt Nam tuyển 200 lao động phổ thông chưa có tay nghề sẽ được đào tạo.../.