Tỉnh Bắc Giang quan tâm đẩy mạnh phát triển xã hội số nhằm đưa người dân lên môi trường số, để người dân tiên phong sử dụng các công nghệ số.
TTXVN - Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang Trần Minh Chiêu, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh phát triển xã hội số.
Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh rà soát, triển khai các hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông theo hướng hiện đại, đồng bộ, tốc độ cao, dung lượng lớn, đảm bảo mỹ quan đô thị, đáp ứng hạ tầng cho việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và đô thị thông minh trên địa bàn, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền.
Các sở, ngành, địa phương ở tỉnh tiếp tục rà soát hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo điều kiện vật, chất tại đơn vị và Bộ phận một cửa các cấp để hỗ trợ công dân nộp hồ sơ trực tuyến; tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng để đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân nhằm đưa người dân lên môi trường số, để người dân tiên phong sử dụng các công nghệ số, tham gia các sàn thương mại điện tử…
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức dịch vụ chi trả, xây dựng phương án chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt (quy trình thực hiện, điều kiện hạ tầng, mạng lưới rút tiền, tiện ích thanh toán...) theo Kế hoạch chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt của tỉnh.
Sở Y tế tỉnh chủ trì theo dõi, đôn đốc thực hiện các chỉ tiêu được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giao tỉnh Bắc Giang thực hiện năm 2023 là: Tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa trên 30%; tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử trên 80%...
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang, hiện nay, hạ tầng viễn thông của tỉnh về cơ bản đáp ứng yêu cầu để phục vụ chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, đặc biệt là hạ tầng mạng Internet và thông tin di động. Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng của tỉnh đạt 83,03%; tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 75,97%.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Tỉnh Đoàn Bắc Giang đã tổ chức tập huấn triển khai thí điểm mô hình “Chi đoàn số”; tiếp tục duy trì Đội Thanh niên tình nguyện hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính công tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh.
Thành Đoàn đã khánh thành công trình thanh niên “Tủ sách điện tử cộng đồng và Tủ sách Chi bộ điện tử”; phối hợp với Tổng Công ty Viễn thông MobiFone xây dựng Cẩm nang du lịch số tỉnh Bắc Giang (tại địa chỉ http://dulichso.bacgiang.gov.vn/) để ứng dụng công nghệ số hóa các địa điểm du lịch có đông du khách thăm quan.
Các huyện, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc Tỉnh Đoàn Bắc Giang đã tổ chức 3 hội nghị về chuyển đổi số, tuyên truyền về chuyển đổi số và sự quan trọng của chuyển đổi số cho hơn 1.500 đoàn viên, thanh thiếu niên.
Các cơ sở Đoàn trong tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động phối hợp thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã triển khai các hoạt động phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội - Chi nhánh tỉnh Bắc Giang về việc thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, toàn tỉnh duy trì tuyên truyền, vận động người dân tham gia mô hình “Chợ dân sinh không dùng tiền mặt” và “Khu dân cư không dùng tiền mặt”.
Hiện nay, tại Bắc Giang, 70% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức khác. 91% dân số của tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Đến nay, tỉnh đã thành lập 209/209 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 1.891/1.891 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, với khoảng 16.000 thành viên.
Các huyện, thành phố ở tỉnh đã tích cực tuyên truyền để hình thành các chợ, điểm bán hàng dân sinh không dùng tiền mặt trên Cổng thông tin điện tử cấp huyện, phát loa tuyên truyền tới người dân và phát động đoàn viên thanh niên, người dân trên địa bàn tham gia hưởng ứng, mua bán và thanh toán hàng hóa không dùng tiền mặt. Đồng thời, triển khai tuyên truyền bài bản, đồng bộ để người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu “Nhà nước dẫn dắt - Doanh nghiệp thực hiện - Người dân hưởng ứng”…/.