Bắc Ninh là một địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa, con người; thực hiện chính sách hỗ trợ hàng tháng cho các nghệ nhân, hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm cho những làng quan họ gốc.
TTXVN - Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ lớn, trong đó có “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”. Thời gian qua, Bắc Ninh đã sớm chủ động triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa.
* Chủ động phát triển công nghiệp văn hóa
Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa. Nhận thức được tầm quan trọng của việc này, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 71 - NQ/TU, ngày 29/8/2022 Về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 581/KH-UBND, ngày 30/12/2022, thực hiện Nghị quyết số 71 - NQ/TU, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Trịnh Hữu Hùng nêu rõ: Bắc Ninh- Kinh Bắc được biết đến là vùng đất văn hiến, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, tỉnh rất quan tâm đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa có thế mạnh.
Bắc Ninh sớm ban hành chủ trương về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa, con người; thực hiện chính sách hỗ trợ hàng tháng cho các nghệ nhân, hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm cho những làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành, các Câu lạc bộ, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống trong tỉnh; Câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh ngoài tỉnh; chính sách phát triển làng nghề truyền thống, du lịch văn hóa… Đó là những yếu tố quan trọng, quyết định trong việc gìn giữ, bảo tồn, sáng tạo, phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh.
Cùng với đó, tỉnh tập trung đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng và khai thác hoạt động hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, thiết chế văn hóa đặc thù để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, yêu cầu tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao chuyên nghiệp và khai thác phát triển công nghiệp văn hóa, dịch vụ du lịch. Trong 5 năm (2018-2023), tỉnh đã đầu tư và đưa vào sử dụng Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa môn nghệ thuật dân gian truyền thống múa rối nước Đồng Ngư, 11 “Nhà thực hành Quan họ” và công trình “Cung Quy hoạch kiến trúc”.
Bắc Ninh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng sản phẩm dịch vụ giải trí tiêu chuẩn quốc tế như rạp chiếu phim, triển khai xây dựng tổ hợp vui chơi, giải trí trong đó có rạp chiếu phim hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ nhu cầu của nhân dân và du khách.
Tỉnh cũng chú trọng phát triển du lịch văn hóa, bước đầu hình thành 14 điểm du lịch, xác định các sản phẩm du lịch văn hóa chủ yếu là du lịch tâm linh, lễ hội, trải nghiệm văn hóa, làng nghề. Tỉnh đã hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và khác sạn, nhà hàng đa dạng, chuyên nghiệp, các món ăn, đồ uống truyền thống tinh tế, đặc biệt là chuỗi nhà hàng theo phong cách Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn độ… Điều này góp phần đáp ứng yêu cầu tổ chức, phục vụ khách dự sự kiện văn hóa, du lịch, hội nghị, hội thảo và các giải thể thao quốc gia, quốc tế và khách du lịch. Hằng năm có khoảng 1,1-1,5 triệu lượt khách du lịch đến Bắc Ninh, mang lại doanh thu trên 1.000 tỷ đồng.
Với đặc trưng mảnh đất trăm nghề, Bắc Ninh quan tâm bảo tồn các nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Tỉnh đang triển khai Đề án Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch giai đoạn 2023 – 2025. Bắc Ninh phát triển các hoạt động nghệ thuật biểu diễn định kỳ 2 năm/lần tổ chức Festival Về miền Quan họ; hàng tháng, quý tổ chức biểu diễn Dân ca Quan họ Bắc Ninh trên thuyền và trong khán phòng Nhà hát Dân ca Quan họ; phối hợp đăng cai tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao quy mô quốc gia, quốc tế; hoạt động văn hóa đối ngoại, ngoại giao văn hóa trong nước và nhiều nơi trên thế giới.
Chia sẻ về những khó khăn khi phát triển công nghiệp văn hóa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Trịnh Hữu Hùng cho rằng đó là sự kém linh động trong phương cách tiếp cận, thiếu liên kết giữa các sở, ngành. Thêm vào đó, nhận thức về tiềm năng việc làm trong ngành công nghiệp sáng tạo chưa cao; các sản phẩm du lịch chưa phong phú, chưa khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng các giá trị văn hóa truyền thống, lợi thế. Nghệ nhân ở các làng nghề đa phần mới chỉ khéo tay chứ chưa phải là nhà thiết kế mẫu, trong khi sự khác biệt về mẫu mã là một yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Có rất ít sản phẩm mang thương hiệu riêng và tiếp cận được các yêu cầu sử dụng của thị trường thế giới. Du lịch văn hóa vẫn còn thiếu sản phẩm, dịch vụ có bản sắc riêng, thiếu các trung tâm dịch vụ, vui chơi giải trí quy mô lớn, tiêu chuẩn quốc tế có tính cạnh tranh, chưa có nhiều công trình nghệ thuật có chất lượng tốt để định hướng thẩm mỹ cho công chúng...
* Khuyến khích đầu tư, phát triển công nghiệp văn hóa
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Trịnh Hữu Hùng, thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa theo hướng độc đáo; từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu Bắc Ninh có uy tín trên thị trường trong nước và ngoài nước. Tỉnh tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư để phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Đồng thời có cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ văn hóa; tạo môi trường thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa.
Tỉnh có giải pháp đồng bộ, thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa trên địa bàn, từng bước nghiên cứu, vận hành phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa, ưu tiên đầu tư vào một số ngành có lợi thế. Đó là nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và trò chơi giải trí, du lịch hóa... nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, các giá trị đặc sắc của văn hóa vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc. Tỉnh cũng khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa, con người Bắc Ninh ra cả nước và quốc tế.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Trịnh Hữu Hùng cho rằng công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ. Bắc Ninh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về định hướng trọng tâm phát triển ngành văn hóa trong hiện tại và tương lai. Các cơ quan chức năng cấp trên hỗ trợ Bắc Ninh đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật về văn hóa, thu hút đầu tư vào các dự án du lịch, vui chơi giải trí tiêu chuẩn và có tính cạnh tranh quốc tế; đưa ứng dụng, công nghệ tiên tiến để khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa... Những việc này sẽ góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt trong việc hưởng thụ các sản phẩm văn hóa, từ đó đầu tư trở lại phục vụ an sinh, phát triển xã hội.
Bắc Ninh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo sản phẩm văn hóa, nhất là điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa…; nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo…/.