Xã hội

Phát huy sức mạnh của văn hóa, giá trị của con người trong xây dựng và phát triển đất nước

Bạc Liêu

Bạc Liêu là nơi hội tụ của nhiều dòng văn hóa, đặc biệt là văn hóa của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, tạo nên một diện mạo văn hóa riêng, thể hiện qua những công trình kiến trúc độc đáo, những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa truyền thống về ăn, mặc, ở, đi lại, cùng nhau đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc...

Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

TTXVN - Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã định hướng rất rõ việc xây dựng “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới”. Xây dựng những hệ giá trị này chính là là góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa, giá trị của con người trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tổng Bí thư cũng đề cập: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; trong đó trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người”. Phóng viên TTXVN tại Bạc Liêu đã trao đổi với các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa làm rõ hơn quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với vấn đề này.

* Con người Bạc Liêu phóng khoáng, nghĩa tình

Bạc Liêu là nơi hội tụ của nhiều dòng văn hóa, đặc biệt là văn hóa của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, tạo nên một diện mạo văn hóa riêng, thể hiện qua những công trình kiến trúc độc đáo, những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa truyền thống về ăn, mặc, ở, đi lại, cùng nhau đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc... Những điều này đã tạo nên tính cách cũng như nét độc đáo rất riêng của con người Bạc Liêu.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Lực cho biết, tỉnh luôn quan tâm bảo tồn và phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Với quyết tâm chính trị cao và khát vọng đưa Bạc Liêu ngày càng phát triển, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt và thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đề ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp có tính khả thi cao, sát hợp với tình hình thực tiễn, nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; xác định 5 trụ cột và 3 khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã đề ra.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị quán triệt nghiêm các chủ trương của Đảng và nghị quyết của Tỉnh ủy, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa, xây dựng con người Bạc Liêu phát triển toàn diện về phẩm chất đạo đức, lối sống. Đặc biệt, tỉnh đã và đang tập trung xây dựng con người Bạc Liêu phóng khoáng, nghĩa tình, khoan dung, thân thiện, hiếu khách, trọng chữ tín; ứng xử có văn hóa, ân cần, trọng thị.

Vào những dịp lễ, Tết, tỉnh Bạc Liêu thường xuyên tổ chức biểu diễn văn nghệ, đờn ca tài tử phục vụ du khách tại Khu di tích quốc gia Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhận thức vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch của tỉnh, việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, văn hóa, con người Bạc Liêu luôn được quan tâm chú trọng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong hai nhiệm kỳ liên tiếp đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, xác định du lịch là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh, phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm du lịch và dịch vụ du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa mang tính liên vùng, có nội dung sâu sắc, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ du lịch khác làm nền tảng, khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch của tỉnh gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, từ đó, vị thế của du lịch Bạc Liêu từng bước được khẳng định.

Hàng năm, tỉnh đều bố trí nguồn ngân sách hợp lý cho hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, giá trị văn hóa kết hợp phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. Một số công trình văn hóa đã ghi được dấu ấn với du khách như: Quảng trường Hùng Vương và các công trình kiến trúc xung quanh với điểm nhấn là chiếc Đờn kìm cách điệu lớn nhất Việt Nam, Nhà hát Cao Văn Lầu với hình 3 Nón lá lớn nhất Việt Nam, Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu…

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Lực, trên cơ sở tiếp thu ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc về văn hóa, để bảo tồn và phát huy các Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh Bạc Liêu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa như: Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, Bạc Liêu tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Đặt nhiệm vụ phát triển văn hóa ngang hàng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững của tỉnh.

Tỉnh tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người Bạc Liêu và gia đình Việt Nam; kế thừa các giá trị tích cực và tiến bộ trong văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước và truyền thống nhân đạo, đoàn kết, tương thân tương ái; bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan; lấy gia đình, dòng tộc, cộng đồng dân cư, tổ chức trong xã hội làm nền tảng để xây dựng, phát triển văn hóa con người Bạc Liêu ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Ông Võ Văn Lực nhấn mạnh việc xây dựng yếu tố văn hóa truyền thống trong hệ thống chính trị; đề cao yếu tố văn hóa trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý là một trong những nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tỉnh tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức trong sáng, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Tỉnh phát huy hơn nữa sức mạnh của toàn dân trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích văn hóa, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, vận động sức dân là chính”; xây dựng các đề án xã hội hóa trong công tác bảo tồn, tôn tạo các giá trị di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch, nhất là các di tích có lợi thế; mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng liên kết hợp tác, hình thành các địa chỉ du lịch hấp dẫn gắn với di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Chùa Xiêm Cán-điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Bạc Liêu. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

* Văn hóa là mục tiêu và động lực phát triển

Theo nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian tỉnh Bạc Liêu, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; trong đó trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người. “Văn hóa có vị trí cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ dân tộc, quốc gia nào. Văn hóa phải được nhìn nhận quan trọng hơn chứ không đánh đồng với chính trị, quân sự, kinh tế…”, ông Thuận nói.

Lý giải về điều này, ông Thuận dẫn chứng, thời kỳ đất nước ta còn nhiều khó khăn thách thức, chính lúc đó Bác Hồ có câu nói rất nổi tiếng: “Văn hóa dẫn đường cho quốc dân đi”. Câu nói này cho thấy, Bác đã xác định rất rõ tầm quan trọng của văn hóa, đánh giá văn hóa có vai trò quan trọng hơn nhiều lĩnh vực khác trong xã hội.

Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận chia sẻ: “Gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục đề cập đến văn hóa, trong đó nhấn mạnh: Văn hóa là bản sắc của một dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Đây lại là sự khẳng định rất rõ một lần nữa về vai trò quan trọng của văn hóa.

Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước. Văn hóa có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người và bản sắc, cốt cách dân tộc.

Ông Trần Phước Thuận cho rằng, xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trước yêu cầu phát triển bền vững đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng con người Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng, kỷ luật, lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình đạo lý, cần cù, sáng tạo trong lao động, có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, văn minh, tuân thủ pháp luật; có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, có ý chí vươn lên, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.

Cùng đó là quan tâm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại, tập trung xây dựng nếp sống mới, những chuẩn mực văn hóa mới, xây dựng, phát triển và sáng tạo những giá trị văn hóa mới trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, kế thừa và phát huy tính đa dạng, bản sắc văn hóa của các dân tộc, của các vùng, miền.

"Xây dựng văn hóa là cần phải làm những điều tốt đẹp. Mọi người cần phải quan tâm và thực hiện cái đẹp. Dạy cái đẹp là dạy đạo đức, dạy chữ hiếu, chữ trung. Hiếu với cha mẹ, trung với đất nước. Trung với nước là yêu nước, thời điểm này yêu nước không phải là cầm súng đánh giặc mà là phải không chấp nhận tụt hậu, phải góp sức để đất nước ngày càng phát triển vững mạnh. Xây dựng văn hóa cũng là xây dựng con người. Con người sống trong xã hội cần có hệ chuẩn để điều chỉnh mọi hành vi, lối sống của mình; cần hiểu rõ và thực hiện tốt xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tương thân, tương ái, quan tâm giúp đỡ người khác, chính là góp phần xây dựng văn hóa đậm đà bàn sắc dân tộc", ông Thuận nói./.

Chanh Đa - Tuấn Kiệt

Xem thêm