Xã hội

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trang phục dân tộc thiểu số

Sóc Trăng

Hội thảo khoa học lần này giúp tìm ra giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, từng bước phát triển thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Chủ tọa Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Phi /TTXVN)

(TTXVN 17/11)Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của trang phục dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” diễn ra ngày 17/11.

Ông Trần Văn Út, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, tỉnh là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã tạo nên văn hóa Sóc Trăng phong phú và đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Cùng với tiếng nói, chữ viết, lễ hội văn hóa, phong tục tập quán, các loại hình nghệ thuật truyền thống, trang phục là phương tiện cấu thành và dấu hiệu nhận diện, thể hiện bản sắc dân tộc rõ nét nhất. Do vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của trang phục dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang được lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Tại Hội thảo có 10 bài tham luận và nhiều lượt ý kiến làm rõ vai trò quan trọng trang phục truyền thống dân tộc thiểu số trong đời sống của người dân như: cưới hỏi, sinh hoạt hàng ngày, tham gia sự kiện, lễ hội, những khó khăn và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của trang phục dân tộc thiểu số.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số là di sản văn hóa tồn tại từ ngàn đời thông qua quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa, chứa đựng giá trị nghệ thuật, lịch sử, bản sắc của các dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng sự giao thoa về văn hóa làm thay đổi tư duy, nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ, dẫn đến việc sử dụng trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số ngày càng giảm dần.

Ông Sơn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 79/KH-UBND về việc thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" với mục tiêu bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, khơi dậy lòng tự hào đối với văn hóa, trang phục truyền thống các dân tộc. Kế hoạch được triển khai chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn I (2019-2025) và giai đoạn II (2026-2030).

Tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá, kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; bảo tồn, khôi phục, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; tham gia lớp tập huấn chuyên môn về phương pháp bảo tồn; triển khai mặc trang phục truyền thống tại các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, quảng bá, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn phát triển du lịch.

Ông Sơn Thanh Liêm cho hay, Hội thảo khoa học lần này, Ban Tổ chức ghi nhận ý kiến thảo luận, trao đổi và đóng góp của đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa dân tộc và nghệ nhân tìm ra giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Từ đó góp phần bảo tồn, phát huy hiệu quả trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc, từng bước phát triển thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, điểm nhấn về những sắc màu văn hóa du lịch của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung./.


Tuấn Phi

Xem thêm