Văn hóa

Bảo tồn, quảng bá các giá trị truyền thống Việt Nam trong bối cảnh mới

Hà Nội

Sự hình thành các giá trị mới cũng tác động, thách thức tới giá trị quốc gia - nền tảng tư tưởng, đạo đức, văn hóa của dân tộc.

Quang cảnh Hội thảo quốc tế “Giá trị dân tộc trong bối cảnh mới”. Ảnh:Thanh Hương/TTXVN

 (TTXVN)- Ngày 9/7, tại Hà Nội, Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Hội đồng Nghiên cứu giá trị và Triết học tổ chức Hội thảo quốc tế “Giá trị dân tộc trong bối cảnh mới”. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đến từ các Viện nghiên cứu, trường Đại học trong và ngoài nước.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ yêu cầu tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến vấn đề hệ giá trị quốc gia; trong đó hệ giá trị quốc gia gồm 9 thành tố: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tài Đông cho biết, những năm gần đây, các vấn đề xã hội như làn sóng nhập cư, khủng bố, xung đột sắc tộc, va chạm văn hóa, mâu thuẫn tôn giáo đan xen... làm trầm trọng thêm sự khác biệt giá trị giữa các tầng lớp, nhóm cộng đồng; phát sinh các vấn đề xã hội. Sự hình thành các giá trị mới cũng tác động, thách thức tới giá trị quốc gia - nền tảng tư tưởng, đạo đức, văn hóa của dân tộc.

Ngày càng nhiều người nhận ra sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân cực đoan, chủ nghĩa tương đối; đồng thời nhận thấy, giá trị cốt lõi của quốc gia hay còn gọi là giá trị dân tộc, đã và đang giúp các dân tộc vượt qua xung đột nội tại, hình thành bản sắc, duy trì đoàn kết và ổn định trong xã hội.

Giá trị dân tộc vừa đảm bảo tự do cá nhân, vừa bảo vệ quyền con người, hướng đến xóa bỏ bất bình đẳng; đồng thời, thể hiện ý chí của cả dân tộc, khát vọng, sứ mệnh của toàn dân chứ không chỉ là một lựa chọn hay đặc quyền dành cho số ít người. Giá trị dân tộc được hình thành từ thực tiễn phát triển của mỗi quốc gia.

Trong các thời kỳ khác nhau, với những điều kiện lịch sử cụ thể, mỗi dân tộc lại lựa chọn cho mình các giá trị khác nhau và dành ưu tiên khác nhau cho các giá trị đó. "Những lựa chọn và ưu tiên này thường được gắn với những vấn nạn hoặc cho sự tồn vong hay hưng thịnh của quốc gia đó", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tài Đông chia sẻ.

Về giải pháp phát huy giá trị truyền thống dân tộc trong hành trình xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, bà Mai Diệu Linh (Viện Triết học) cho rằng, cùng với việc giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cần phát huy các giá trị đó với bạn bè quốc tế, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.

Để giải pháp này thực hiện có chiến lược lâu dài, bài bản và mang tầm quốc gia, cần phát huy vai trò của Nhà nước, phối hợp với các lực lượng liên quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm tiếp tục bảo tồn, phát triển và quảng bá các giá trị truyền thống Việt Nam ra thế giới. 

Nghiên cứu về giá trị quốc gia và định hướng giá trị trong sự phát triển của cá nhân và xã hội, ông Nguyễn Anh Tuấn (Viện Triết học) nhận định, trên thực tế, giá trị quốc gia và việc định hướng giá trị đối với từng cá nhân và toàn xã hội là bản chất của từng thành viên trong xã hội đó và cũng là công cụ để thỏa mãn lợi ích, nhu cầu của cá nhân.

Theo định nghĩa này, các cá nhân vừa mang giá trị nhưng cũng đóng vai trò đưa ra chuẩn mực, mục tiêu và lý tưởng của giá trị đó. Vì vậy, khi xác định và nghiên cứu các giá trị phải tính đến cấu trúc phức tạp của các giá trị này, trong đó có hình thức liên kết và tương tác lẫn nhau giữa từng cá nhân.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận một số vấn đề về giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong quần chúng nhân dân, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giáo dục các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; khai thác, vận dụng những kinh nghiệm để phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.../.

Lý Thanh Hương

Xem thêm