Thời sự

Bảo vệ cơ quan và người có thẩm quyền quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới sáng tạo

Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức, Viên chức, Bộ Nội vụ. (Ảnh: Vân Hằng)

TTXVN - Liên quan đến việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, chiều 16/6, tại Họp báo Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức, Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, Vụ đã khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo Bộ xây dựng nghị định này; tham mưu cho Bộ trưởng thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhất là những nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu về pháp luật. Bộ trưởng đã chỉ đạo trực tiếp, sát sao, rất quyết liệt.

Vụ đã tham mưu lãnh đạo Bộ tổ chức hội thảo ở ba miền và hội thảo với các cơ quan Trung ương, các bộ, ban, ngành ở Hà Nội. Tuy được Chính phủ cho phép xây dựng nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhưng đây là một vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, Vụ đã tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản gửi lấy ý kiến các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

Tổng hợp, tiếp thu ý kiến tham gia góp ý tại các văn bản, cũng như các hội thảo, dự thảo Nghị định đã được hoàn thiện, gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, dự thảo nghị định tiếp tục hoàn thiện trên tinh thần bám sát chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ vì lợi chung; đồng thời phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Qua các ý kiến tham gia góp ý cho thấy các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm, nhiều ý kiến tham gia đóng góp rất trách nhiệm. Dự thảo Nghị định có 5 chương và 27 điều, trong đó, chương III đề cập đến chính sách khuyến khích, biện pháp bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ quan, tổ chức, cá nhân và xử lý vi phạm. Đây là chương rất quan trọng của nội dung nghị định.

Trong quá trình xây dựng nghị định có một số vướng mắc, tập trung hai vấn đề cơ bản là các chính sách khuyến khích và biện pháp bảo vệ. Các chính sách khuyến khích được đề ra là tuyên dương, khen thưởng, đánh giá, xếp loại, đào tạo, bồi dưỡng, nâng bậc lương trước thời hạn, nâng ngạch, thăng hạng, thăng quân hàm, cấp bậc hàm, quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí trang thiết bị, phương tiện làm việc.

Về biện pháp bảo vệ, cán bộ khi thực hiện đề xuất đã được phê duyệt mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại, thì được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật và trách nhiệm hoàn trả ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó là các biện pháp bảo vệ đối với cơ quan, người có thẩm quyền quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, theo ông Ninh, chính sách khuyến khích có một số nội dung, ví dụ như việc nâng ngạch, thăng hạng, quy hoạch, bổ nhiệm vượt cấp hiện nay vướng Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Hay vấn đề về bảo vệ khi giảm nhẹ hoặc miễn trách nhiệm hình sự vướng vào Bộ luật Hình sự, Luật Bồi thường trách nhiệm nhà nước. Mặt khác, để nghị định đi vào đời sống, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là đối với cơ quan tư pháp như Viện Kiểm sát, Tòa án.

Nhận thấy có những nội dung của nghị định này, nếu ban hành sẽ vượt quá thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Nội vụ đang tham mưu theo hướng để Chính phủ giao cho Bộ lập hồ sơ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào chương trình kỳ họp Quốc hội, trên tinh thần xây dựng Nghị quyết thí điểm về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nói chung. Trên cơ sở Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm, Chính phủ sẽ ban hành nghị định để triển khai thực hiện, như vậy mới bảo đảm được tính pháp lý.

“Chúng tôi kỳ vọng nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép, có thể đưa vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV”, theo ông Nguyễn Tuấn Ninh.

* Cũng tại họp báo, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng đã thông tin về công trình trung tâm tâm linh ở tỉnh Lâm Đồng, do Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Kim Phát xây dựng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ đã thành lập đoàn liên ngành về kiểm tra thực tế tại địa phương.

Qua báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đến nay có thể khẳng định, việc xây dựng trung tâm tâm linh này để phục vụ du lịch, không phải là công trình tôn giáo. Việc xây dựng ở đây phục vụ chủ yếu cho khách tham quan và làm dịch vụ du lịch. Công trình xây dựng mô phỏng kiến trúc của Phật giáo. Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng khẳng định việc xây dựng này là đúng theo giấy phép do tỉnh cấp.

“Chúng tôi đang tập hợp ý kiến của các ban, ngành chức năng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động của cơ sở này theo đúng quy định của pháp luật”, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ nói./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm