Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được tiến hành giám sát thực hiện tại Bệnh viện Hùng Vương.
(TTXVN) Ngày 19/10, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành giám sát việc thực hiện Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Bệnh viện Hùng Vương. Nhiều khó khăn đã được nêu ra, trong đó vấn đề chính vẫn là thiếu kinh phí, nhân lực để thực hiện cũng như chưa có chuẩn về hệ thống quản lý bệnh viện chung cho toàn ngành.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện tuyến cuối, chuyên ngành Sản phụ khoa của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước. Trung bình mỗi năm, Bệnh viện đón khoảng 35.000 - 40.000 trẻ sơ sinh chào đời, thực hiện từ 20.000 - 25.000 ca phẫu thuật.
Những năm qua, Ban giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đã triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới y tế thông minh như: kiện toàn hạ tầng công nghệ thông tin và sử dụng 27 phần mềm trong quản lý, vận hành bệnh viện. Nổi bật là phần mềm quản lý bệnh viện HIS, phần mềm ứng dụng đăng ký khám trực tuyến và sổ khám bệnh điện tử trên thiết bị Android giúp người bệnh không mất thời gian xếp hàng chờ đợi lấy số thứ tự.
Bệnh viện còn phối hợp với các ngân hàng, các ví thanh toán điện tử để áp dụng thanh toán qua internet banking, mã QR, hình thức chuyển khoản qua các ứng dụng thanh toán của ngân hàng. Bệnh viện đưa vào sử dụng phần mềm IOH - ứng dụng SMS trong quản lý từ xa bệnh đái tháo đường... Đơn vị cũng là một trong những bệnh viện có tốc độ xây dựng bệnh án điện tử dẫn đầu của Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, tiến độ xây dựng bệnh án điện tử ngoại trú đạt 100%, bệnh án nội trú sản khoa đạt 99%.
Đặc biệt, Bệnh viện đang lập Dự án ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong di truyền y học để góp phần chẩn đoán tiền sản, hình ảnh chẩn đoán bệnh lý tuyến vú, chẩn đoán chất lượng phôi trong thụ tinh trong ống nghiệm.
Trong quá trình thực hiện, Bệnh viện Hùng Vương gặp một số khó khăn như: khó tuyển dụng nguồn nhân lực giỏi do chưa có chế độ đãi ngộ để thu hút; thiết bị công nghệ thông tin thay đổi nhanh nên dễ dẫn đến lỗi thời; trang bị thiết bị chưa đồng bộ; hệ thống mạng, đường truyền chậm, thiếu tính hệ thống... Đơn cử như Dự án hệ thống an ninh mạng và wifi của bệnh viện dù đã triển khai 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Bệnh viện đã lập dự án rồi gửi Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND Thành phố… đến khi được chấp nhận chủ trương thì các máy đã lỗi thời.
Ngoài ra, theo bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, hiện vẫn chưa có chuẩn về hệ thống quản lý bệnh viện chung cho toàn ngành nên việc kết nối, truyền tải thông tin còn gặp khó khăn. Trong khi đó, công tác mua sắm trang bị thiếu kinh phí, thiếu cơ chế nên rất khó khăn.
Trước những khó khăn trên, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương kiến nghị tính thêm chi phí ứng dụng công nghệ thông tin vào cơ cấu giá viện phí; cần có cơ chế mua sắm, thuê mướn rõ ràng và chi tiết trong lĩnh vực công nghệ thông tin để giúp các bệnh viện dễ thực hiện, tránh việc vi phạm pháp luật. Hệ thống quản lý bệnh viện (HIS) của các bệnh viện cần có sự thống nhất để các đơn vị thuận lợi hơn khi kết nối hoặc trao đổi thông tin. Một vấn đề quan trọng là cần có chế độ đãi ngộ cho nhân viên công nghệ thông tin làm việc tại các bệnh viện để thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin giỏi.
Đánh giá cao nỗ lực của Bệnh viện Hùng Vương trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Bệnh viện đã có chiến lược tốt và có những bước đi đột phá trong việc xây dựng hệ thống y tế thông minh khi đã ứng dụng đến 27 phần mềm chuyên sâu trong quản lý, vận hành và phục vụ người bệnh. Bệnh viện cần phát huy hơn nữa hiệu quả của các phần mềm này; xây dựng thêm thẻ khám bệnh thông minh, tích hợp nhiều dịch vụ không chỉ trong bệnh viện mà có thể sử dụng được cả ở những đơn vị có liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, Bệnh viện Hùng Vương cần quan tâm đến việc xây dựng, quản lý dữ liệu của trẻ em; bởi đây là bệnh viện sản khoa, nơi hàng ngàn em bé được sinh ra mỗi năm.
Ông Cao Thanh Bình cho rằng, những khó khăn mà Bệnh viện Hùng Vương đang gặp phải trong việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin cũng là khó khăn chung của các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Việc đưa ra đề án thì dễ nhưng thực hiện rất khó, nhất là hiện nay các đơn vị tự chủ tài chính sẽ ảnh hưởng lớn đến quỹ phát triển sự nghiệp của các đơn vị. Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị, Sở Y tế cần xây dựng chính sách đặc thù đối với y tế chuyên sâu để trình lên Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét như chế độ đặc thù để thu hút đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin chuyên môn cao. Sở cần có khảo sát về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của từng bệnh viện để sớm ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cho các bệnh viện thực hiện, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống ngành y tế của Thành phố./.
- Từ khóa:
- khám chữa bệnh từ xa