An sinh

Bình Dương: Tập trung điều hành, lãnh đạo từng lĩnh vực, từng ngành vượt qua khó khăn

Bình Dương

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bình Dương, quý I năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 0,15% so với cùng kỳ năm 2022 (quý I/2022 tăng 7,2%).

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

TTXVN - Ngày 28/3, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa XI tổ chức Hội nghị lần thứ 22 (mở rộng), Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho biết, nhìn chung quý I năm 2023 thách thức, khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Nhờ dự báo từ sớm, từ xa, lãnh đạo tỉnh đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Dự báo tiếp tục còn khó khăn kéo dài trong thời gian tới; đòi hỏi từng ngành, từng cấp, người đứng đầu tập trung điều hành, lãnh đạo từng lĩnh vực, từng ngành để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi, về kinh tế cần giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp bằng những việc cụ thể, qua đó cùng đồng hành với doanh nghiệp tìm giải pháp vượt qua khó khăn. Việc giải quyết khó khăn về kinh tế giao Chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu, tiếp đến là Giám đốc các sở, ngành.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, qua các buổi làm việc giữa UBND tỉnh với các ngành đều giải quyết được hết; do đó đặt sự phối hợp trong bối cảnh này là cần thiết, để giải quyết từng việc khó khăn một.

Đặc biệt, các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn về giá đất để phục vụ công tác giải tỏa, nhất là đường Vành đai 3, Vành đai 4. Ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các địa phương có tuyến đường đi qua khẩn trương áp giá đền bù, đến ngày 15/6/2023 phải khởi công xây dựng đường Vành đai 3. Song song đó, các địa phương phải thực hiện tốt chính sách tái định cư, đền bù giải tỏa; phấn đấu hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 vào cuối năm 2023. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công do đạt thấp so với định mức cả nước.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, quý I năm 2023, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, mặc dù doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng số lượng đơn hàng và quy mô đơn hàng giảm mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 0,15% so với cùng kỳ năm 2022 (quý I/2022 tăng 7,2%).

Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn; các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng thấp.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,2 tỷ USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: sản phẩm gỗ (giảm 41,5%), máy móc - thiết bị (giảm 7,4%), dệt may (giảm 17,4%), giày da (giảm 12,5%). Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là thị trường Trung Quốc tăng 42% sau khi mở cửa trở lại. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 5 tỷ USD, giảm 14% (quý 1/2022 tăng 0,2%). Việc giảm nhập khẩu được đánh giá thiếu đơn hàng nguyên liệu vào, dẫn đến giảm quy mô sản xuất và xuất khẩu sản phẩm hàng hóa.

Hội nghị thống nhất đặt ra yêu cầu chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đất đai, xây dựng, thủ tục đầu tư, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới, có giải pháp duy trì đà xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới. Tỉnh Bình Dương triển khai hiệu quả Đề án di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp ở phía Nam lên các địa phương phía Bắc và sắp xếp, chuyển đổi công năng các doanh nghiệp sau khi di dời.

Nhằm đảm bảo tổ chức thu đúng, thu đủ, kịp thời, khai thác hiệu quả các nguồn thu còn dư địa vào ngân sách, tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên. Cùng với đó, tỉnh có giải pháp khắc phục hạn chế, khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong các năm 2023./.

Chí Tưởng

Xem thêm