Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận triển khai quyết liệt phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực.
(TTXVN) Sáng 27/12, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức Hội nghị đánh giá công tác xây dựng Đảng năm 2022 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Thuận, công tác tổ chức xây dựng Đảng trong năm 2022 đạt kết quả khá toàn diện. Công tác cán bộ thực hiện đúng quy trình, quy định và đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ 2020-2025, nhiệm kỳ 2021-2026, xây dựng quy hoạch Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ 2025-2030, nhiệm kỳ 2026-2031 bảo đảm chất lượng. Năm 2022, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 2.063/2.000 đảng viên mới, vượt 3,15% chỉ tiêu và bảo đảm chất lượng đảng viên.
Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng được quan tâm, triển khai thường xuyên tại cơ quan, đơn vị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Thông báo Kết luận số 252-TB/UBKTTW, ngày 17/3/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tiến hành kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với 11 đảng viên có liên quan. Các cấp ủy trực thuộc tỉnh thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng và 127 đảng viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời đơn, thư phản ánh, tố cáo tổ chức đảng, đảng viên.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng. Bình Thuận đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được triển khai khá đồng bộ, phát hiện, xử lý kịp thời một số vụ việc sai phạm. Bình Thuận đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2022 trên địa bàn tỉnh…
Bên cạnh kết quả đạt được, Hội nghị chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm như: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ, đảng viên lãnh đạo, quản lý chưa sát sao công việc, có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiệm vụ chung của tỉnh. Công tác phê duyệt quy hoạch chức danh lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo chủ chốt cấp huyện còn chậm tiến độ. Một số cấp ủy thực hiện kiểm tra, giám sát còn chậm so với kế hoạch đề ra. Còn nhiều vụ việc khó khăn, bức xúc trong cuộc sống nhân dân chưa được giải quyết dứt điểm làm phát sinh đơn, thư…
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Tỉnh ủy Bình Thuận xác định tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới bảo đảm lãnh đạo toàn diện quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và cụ thể hóa chủ trương, chính sách mới của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận phù hợp tình hình thực tiễn của tỉnh.
Một số chỉ tiêu chủ yếu về công tác xây dựng Đảng được đề ra trong năm 2023 như: 100% tổ chức cơ sở đảng, đảng viên quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch số 66-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; phát triển 2.000 đảng viên và có từ 75% tổ chức cơ sở đảng, tổ chức đảng cấp trên cơ sở xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Ngoài ra, có từ 75% trở lên tổ chức Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đạt mức xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Để hoàn thành tốt công tác xây dựng Đảng, Tỉnh ủy Bình Thuận tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý phục vụ công tác cán bộ; rà soát quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2025-2030 và thẩm định phê duyệt rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031. Tỉnh tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt còn khuyết, thiếu ở các cơ quan, đơn vị, địa phương bảo đảm chặt chẽ, khách quan.
Các đơn vị tăng cường biện pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, tập trung vào lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tiêu cực; chỉ đạo nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra ở cơ sở để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm. Cùng với đó là tập trung chỉ đạo giải quyết tốt đơn, thư tố cáo, khiếu nại kỷ luật Đảng; xem xét, xử lý, giải quyết đơn, thư tố cáo, khiếu nại đúng quy định, hạn chế phát sinh phức tạp, kéo dài.../.