Các đơn vị phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, chủ động nắm tình hình địa bàn; tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
TTXVN - Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Thuận về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội vừa có văn bản vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Văn bản nêu rõ: công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đạt kết quả tích cực. Nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn còn một số hạn chế, bất cập; một số cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh thực phẩm còn vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Trước tình hình này, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, doanh nghiệp… phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm quy định của Luật An toàn thực phẩm.
Theo đó, người dân kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật bị cấm như: Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm; sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm; hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm…
Đồng thời, người dân cần tố giác các hành vi sản xuất, kinh doanh như: thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép; thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng; che giấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm…
Ban Chỉ đạo yêu cầu, các đơn vị phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, chủ động nắm tình hình địa bàn; tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Năm 2022, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra, xử lý 161 vụ; xử phạt hành chính 2,8 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy gần 35 tấn thực phẩm bẩn, hơn 6 tấn hóa chất, phụ gia cấm sử dụng trong thực phẩm.../.
- Từ khóa:
- Bình Thuận
- an toàn thực phẩm