Xã hội

Đào tạo, thu hút nhân lực làm việc trong lĩnh vực y học dự phòng

Hà Nội

Thực tế đã khẳng định vai trò của nhân lực y tế dự phòng, nòng cốt là đội ngũ bác sĩ y học dự phòng, bác sỹ làm công tác dự phòng đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

TTXVN - Sáng 11/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo về công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực bác sỹ y học dự phòng.

Cả nước hiện có 32 trường đào tạo bác sỹ, trong đó có 10 trường đào tạo bác sỹ y học dự phòng. Thực tế đã khẳng định vai trò của nhân lực y tế dự phòng, nòng cốt là đội ngũ bác sĩ y học dự phòng, bác sỹ làm công tác dự phòng đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y Tế cho biết, Việt Nam đã khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, như: dịch SARS năm 2003, dịch Cúm A/H5N1, H1N1 năm 2009... và đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 (2020-2022).

Tuy nhiên, công tác đào tạo, sử dụng nhân lực y tế, đặc biệt là bác sỹ y học dự phòng vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: chưa xác định rõ vai trò, vị trí việc làm; chế độ chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ còn thấp so với lĩnh vực khám, chữa bệnh; điều kiện làm việc còn khó khăn... Điều này làm cho số sinh viên học bác sỹ y học dự phòng và chọn làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng có xu hướng giảm liên tục các năm qua.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các cơ quan chuyên môn tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, kiến nghị với các cơ quan liên quan, nhằm xây dựng văn bản quy định phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sỹ y học dự phòng. Đồng thời, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn, xếp bậc lương viên chức theo hướng tiếp thu ý kiến của các địa phương, đơn vị cơ sở phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp bác sỹ y học dự phòng giai đoạn mới.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia đầu ngành Y tế đã thảo luận về thực trạng đào tạo, sử dụng bác sỹ y học dự phòng tại Việt Nam; chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, chuẩn năng lực của bác sỹ trong lĩnh vực y học dự phòng; thực trạng cấp chứng chỉ hành nghề, đề xuất phạm vi hoạt động chuyên môn, danh mục kỹ thuật cho bác sỹ y học dự phòng; tuyển dụng, quản lý bác sỹ y học dự phòng…

Các đại biểu thảo luận về một số vấn đề quan trọng trong lĩnh vực y học dự phòng, như: vai trò bác sỹ y học dự phòng trong hệ thống y tế và một số vướng mắc trong khâu tuyển dụng, sử dụng; chương trình đào tạo đáp ứng các yêu cầu về thực hành nghề nghiệp của bác sỹ y học dự phòng; những nội dung cần được đồng bộ trong Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật khám, chữa bệnh và các văn bản quy phạm liên quan…/.

Nam Sương

Xem thêm