Xã hội

Cai Lậy (Tiền Giang) đạt chuẩn huyện nông thôn mới

Tiền Giang

Thời gian tới, huyện Cai Lậy tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang trao Quyết định công nhận huyện nông thôn mới. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

TTXVN - Ngày 10/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Cai Lậy đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2022.

Theo đó, huyện Cai Lậy có 16 đơn vị hành chính, trong đó, 15/15 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5/15 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Bình Phú được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện đạt 99,97%.

Huyện đạt 9/9 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Nổi bật là thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 62,78 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,58 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,19%...

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đánh giá cao những nỗ lực để đạt kết quả và ra mắt huyện nông thôn mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cai Lậy.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh chỉ đạo trong thời gian tới, huyện Cai Lậy tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, lưu ý lãnh đạo huyện Cai Lậy tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị cũng như mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng nông thôn mới, chú trọng phát huy tốt vai trò nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Trong xây dựng nông thôn mới có khởi đầu nhưng không có kết thúc. Do vậy, tiếp tục huy động các nguồn lực, củng cố và giữ vững, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hướng tới mục tiêu nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao tặng công trình trị giá 5 tỷ đồng cho lãnh đạo huyện Cai Lậy. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Đặc biệt, địa phương lãnh đạo và có các giải pháp thật cụ thể tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn phát triển mạnh hơn nữa về quy mô, chất lượng, hiệu quả; chủ động thu hút, mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm phát triển bền vững...

Ngoài ra, quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ môi sinh, môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới phải đi đôi với xây dựng văn hóa nông thôn. Đặc biệt, chú trọng xây dựng con người, gia đình, cộng đồng và môi trường nông thôn lành mạnh...

Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình đánh giá, để được Thủ tướng Chính phủ công nhận và ra mắt huyện nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cai Lậy đã tập trung mọi nguồn lực, phát huy các tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công.

Địa phương đã hình thành 2 tiểu vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trọng điểm. Đó là vùng trồng lúa chất lượng cao theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP ở phía Bắc Quốc lộ 1 quy mô gần 6.500 ha và vùng trồng chuyên canh cây ăn quả trên 15.000 ha trong đó có hàng chục ngàn ha sầu riêng xuất khẩu giá trị kinh tế cao.

Đồng thời, cơ sở vật chất hạ tầng giao thông, thủy lợi, kiến thiết văn hóa - xã hội được kiện toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần của người dân thành thị cũng như nông thôn.

Phát huy sự thành công trong xây dựng huyện Cai Lậy đạt chuẩn huyện nông thôn mới, từ nay đến năm 2025, địa phương tiếp tục đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện hiệu quả tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, thúc đẩy quá trình đô thị hóa vào chiều sâu nhằm tạo tiền đề tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Mục tiêu đến năm 2025, nâng thu nhập bình quân đầu người toàn huyện lên 75-80 triệu đồng, tăng từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/người/năm so với hiện nay, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,5%. Đến năm 2025, toàn huyện có 7 xã trở lên đạt xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã trở lên đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Cai Lậy đạt huyện nông thôn mới nâng cao./.

Minh Trí

Xem thêm