Xã hội

Bắc Giang phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở nhu cầu của thị trường lao động

Bắc Giang

Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 27%.

Giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng công nghệ Việt-Hàn Bắc Giang. (Ảnh: Việt Hùng/TTXVN)

TTXVN - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, thời gian tới, tỉnh tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành đối với công tác đào tạo nghề, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; thúc đẩy hoạt động đào tạo nghề theo định hướng hợp tác, liên kết với doanh nghiệp cùng đào tạo là chủ đạo.

Đồng thời, địa phương tích cực khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các trường, trung tâm đào tạo nghề cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ngoài ra, Bắc Giang quan tâm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và thu hút nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ; phát triển phong trào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể...

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới, Bắc Giang phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở nhu cầu của thị trường lao động và có cơ cấu hợp lý; trọng tâm là đào tạo, nâng cao chất lượng lao động tham gia sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ. Tỉnh đẩy mạnh phát triển nguồn lao động qua đào tạo có kỹ năng nghề, nhất là lao động có tay nghề cao, có bằng cấp, chứng chỉ đáp ứng yêu cầu.

Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 27%. Toàn tỉnh có 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; trong đó có tối thiểu 4 trường cao đẳng. Tổng quy mô tuyển sinh đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 31.000 lao động/năm. Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt - Hàn Bắc Giang và trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp là trường chất lượng cao, có năng lực đào tạo các ngành nghề được các nước trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận…

Để đạt mục tiêu, Bắc Giang tập trung thực hiện tốt các giải pháp: nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và giải quyết việc làm. Tỉnh xây dựng chính sách về giáo dục nghề nghiệp; chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đánh giá theo chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; thúc đẩy xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp.

Giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng công nghệ Việt-Hàn Bắc Giang. (Ảnh: Việt Hùng/TTXVN)

Năm 2022, tỉnh Bắc Giang đã rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng. Kết quả, tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên toàn tỉnh là 36 cơ sở, giảm 3 cơ sở so với năm 2021. Các cơ sở trên đã tuyển sinh được 28.700 người, đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động của tỉnh đạt 74%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 32%, vượt 9,5% kế hoạch.

Năm 2022, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 33.600 lao động, vượt 5% kế hoạch; trong đó xuất khẩu lao động là 1.500 người, vượt 25,3% kế hoạch. Toàn tỉnh hiện có hơn 1,01 triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế (đứng thứ 11 cả nước); cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch mạnh từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang lĩnh vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ.

Bắc Giang đã tăng cường kết nối, thu hút nguồn lực người Bắc Giang ở nước ngoài hướng về xây dựng quê hương; trong đó tập trung xây dựng chính sách đãi ngộ thỏa đáng, thu hút và phát huy tiềm năng của đội ngũ chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Bắc Giang cũng như người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trên các lĩnh vực tỉnh đang có nhu cầu tham gia hợp tác, đầu tư, giảng dạy, truyền đạt kiến thức khoa học, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của thế giới vào địa phương./.

Việt Hùng

Tin liên quan

Xem thêm