Với những vấn đề đang tồn tại như tin xấu độc trên mạng xã hội, lừa đảo, quảng cáo… Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Thanh Lâm nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dùng.
TTXVN - Ngày 5/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Thanh Lâm chủ trì cuộc họp báo thường kỳ tháng 5/2023; trao đổi về nhiều vấn đề được dư luận quan tâm.
Làm sạch môi trường mạng
Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do chia sẻ với báo chí về cụm từ "phong sát", "cấm sóng" xuất hiện trên mạng xã hội thời gian gần đây. Ông nói: Một số nước đã áp dụng các biện pháp như “phong sát”, "cấm sóng" nghệ sỹ vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống hay thuần phong mỹ tục. Ở nước ta, từ trước đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa bao giờ dùng từ “phong sát” hay “cấm sóng”. Bộ Thông tin và Truyền đã thống nhất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sử dụng khái niệm “hạn chế” biểu diễn, phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên các Đài Phát thanh - Truyền hình và môi trường mạng. Việt Nam không dùng từ “phong sát” hay “cấm sóng” bởi theo luật pháp Việt Nam, để cấm một hoạt động của công dân, nội dung bị cấm cần phải được đưa vào luật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng “biện pháp mềm” là vận động các cơ quan báo chí, cơ quan tổ chức sự kiện cùng chung tay làm sạch môi trường hoạt động biểu diễn nghệ thuật bằng cách không khuyến khích, không mời những nghệ sỹ vi phạm về đạo đức, có lối sống lệch chuẩn theo quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2021. Việc hạn chế nội dung xấu độc trên mạng được thực hiện trên tinh thần đồng thuận và tự nguyện của các tổ chức cũng như của người dùng mạng.
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố một số sai phạm của TikTok tại Việt Nam, trong đó gồm việc TikTok chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, gây nguy hiểm với trẻ em. TikTok dùng thuật toán phân phối tự động để tạo xu hướng và phát tán nội dung nhằm “câu view” thu hút nội dung, bất chấp sự phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.
Hiện tại, TikTok đã mở thêm mảng thương mại điện tử, dẫn đến vi phạm thứ ba là nền tảng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Theo đánh giá của Bộ, TikTok chưa có biện pháp quản lý hiệu quả đối với người làm nội dung có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội (được gọi là "idol”). Đồng thời, TikTok để nội dung vi phạm bản quyền xuất hiện tràn lan và bị đánh giá không có biện pháp quản lý, để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân để tung tin giả, bôi nhọ, xúc phạm người khác.
Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết: Để triển khai kế hoạch kiểm tra toàn bộ hoạt động của TikTok Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn cho các bộ, ngành có liên quan để hình thành đoàn công tác liên ngành. Dự kiến từ ngày 15/5 đến hết tháng 5/2023, đoàn thanh tra sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động của Tiktok.
Với những vấn đề đang tồn tại như tin xấu độc trên mạng xã hội, lừa đảo, quảng cáo…, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Thanh Lâm nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dùng. Cụ thể, đó là hành động không xem những trang có nội dung xấu, không tán thành việc đưa quảng cáo vô tội vạ ở các trang thông tin vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục; xây dựng thói quen. hành vi ứng xử văn minh của người làm nội dung quảng cáo, xây dựng hệ sinh thái quảng cáo và cả người xem. Cộng đồng cùng phát hiện, đấu tranh và đưa ra các tiêu chí để hạn chế hành vi xấu độc, góp phần làm trong sạch môi trường mạng.
Nâng cao cảnh giác với lừa đảo Deepfake
Thời gian gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới là cuộc gọi video bằng công nghệ Deepfake. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video, hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè nhằm thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến. Deepfake đang là một mối đe dọa bởi nó có thể được sử dụng để lừa đảo trực tuyến cũng như tấn công chính trị, tạo tin tức giả mạo, phá hoại danh tiếng của người khác.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Quang Hưng cho biết, khi nhận được thông tin về những vụ việc lừa đảo bằng công nghệ Deepfake, đơn vị đã nhanh chóng cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về hình thức lừa đảo mới này. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, các công ty công nghệ lớn đang tìm giải pháp kỹ thuật để xử lý các vụ lừa đảo Deepfake. Việc ngăn ngừa chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng là một cuộc chiến trường kỳ. Tuy nhiên, do bản chất của những vụ lừa đảo trực tuyến phần lớn liên quan đến lừa đảo tài chính nên để lấy được tiền, kẻ lừa đảo đều cần đến các tài khoản ngân hàng. Những đối tượng này sẵn sàng bỏ tiền ra mua các tài khoản ngân hàng không chính chủ. Do đó, việc cần làm là ngăn chặn các tài khoản ngân hàng không chính chủ, đồng bộ thông tin tài khoản ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kiểm soát, truy vết các vụ lừa đảo.
“Công nghệ sẽ liên tục thay đổi, chiêu trò lừa đảo sẽ luôn biến hóa khôn lường và là công cụ để kẻ lừa đảo sử dụng. Việc phòng, chống những vụ lừa đảo trên không gian mạng không đơn giản là vấn đề kỹ thuật mà cần có sự phối hợp đồng bộ về công nghệ, pháp lý và cơ chế. Bên cạnh đó, người dùng cần chủ động nâng cao cảnh giác, bảo vệ thông tin cá nhân, tránh bị sập bẫy lừa đảo”, ông Trần Quang Hưng khuyến cáo.
Trong tháng 4/2023, doanh thu toàn ngành ước đạt hơn 313.475 tỷ đồng, tăng 6% so với tháng 3/3023 nhưng giảm 1% so với cùng kỳ năm 2022. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung vào một số nội dung: Hoàn thiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số; trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Đồng thời, Bộ sẽ phê duyệt kết quả đấu giá băng tần 2.3GHz cho thông tin di động IMT; tiếp tục chấn chỉnh, xử lý báo hóa tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và biểu hiện tư nhân hóa báo chí; triển khai xây dựng báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Báo chí nhằm chuẩn bị cho công tác lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí…/.