Xã hội

Cà Mau chủ động ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão

Cà Mau

Tình hình thời tiết, thiên tai ở Cà Mau từ nay đến cuối năm tiếp tục diễn biến cực đoan, khó lường, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết ngư hiểm như lốc, sét, mưa to cục bộ…

Tình trạng sạt lở tại Cà Mau ngày càng diễn biến khó lường hơn khi âm thầm "luồn" sâu dưới nền đất, khó phát hiện. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

TTXVN - Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau, trong nửa đầu tháng 6 năm 2023, địa bàn tỉnh có mưa nhiều nơi, có nơi mưa to kèm theo dông lốc. Dự báo nửa cuối tháng 6 năm nay, lượng mưa giảm nhưng dông, lốc, sét sẽ xuất hiện trong thời kỳ đầu mùa mưa với cường độ mạnh và khả năng gây ra những thiệt hại về người và tài sản.

Tình hình thời tiết, thiên tai ở Cà Mau từ nay đến cuối năm tiếp tục diễn biến cực đoan, khó lường, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết ngư hiểm như lốc, sét, mưa to cục bộ…

Dự báo có khoảng 12-15 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó khoảng 4 - 7 cơn bão có khả năng ảnh hưởng đến đất liền của nước ta. Thêm nữa, từ tháng 8 trở đi, mực nước đỉnh triều trên các sông, rạch trong tỉnh bắt đầu lên cao và đạt giá trị cao nhất vào các tháng cuối năm, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Nhằm chủ động, kịp thời ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, thành phố Cà Mau theo dõi sát tình hình thời tiết, thiên tai, không được chủ quan, lơ là trong mọi tình huống; đồng thời, tăng cường phối hợp, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, đúng yêu cầu, hiệu quả các văn bản của UBND tỉnh, của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân biết các biện pháp phòng, chống thiên tai để chủ động phòng tránh nhằm giảm thấp nhất về thiệt hại. Cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiệt hại sau thiên tai.

Tỉnh triển khai kế hoạch ứng phó với tình huống thiên tai cho từng vùng sản xuất, trong đó chú ý đảm bảo giữ ngọt phục vụ sản xuất vùng vùng chuyên lúa, chống xâm nhập mặn vùng sản xuất lúa - tôm. Cùng với đó, hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo từng giai đoạn diễn biến của mùa mưa.

Chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện việc đăng ký kê khai sản xuất ban đầu với chính quyền địa phương; thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất do thiên tai, dịch bệnh đúng trình tự thủ tục theo quy định.

Cơ quan chức năng rà soát, cập nhật phương án bố trí lực lượng, phương tiện sơ tán, di dời dân, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự khi xảy ra thiên tai và giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.

Tỉnh tăng cường quản lý chặt chẽ tàu cá ra vào cửa biển, kiên quyết không để phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm và không đảm bảo trang thiết bị an toàn thông tin liên lạc ra biển hoạt động.

Theo UBND tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai đã làm chìm 4 tàu cá, làm sập một đáy hàng khơi và gây thiệt hại hơn 60 căn nhà, sạt lở trên 2,5km đất ven sông và trên 1,7km bờ bao…Tổng thiệt hại do thiên tai trị giá ước tính trên 8 tỷ đồng./.

Kim Há

Xem thêm