Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Chủ tịch UBND ở các quận, huyện có các chỉ tiêu chưa đạt hoặc chỉ tiêu đạt thấp, phải quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra, chỉ đạo, điều hành.
TTXVN - Sáng 7/11, tại UBND quận Thốt Nốt, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thành phố Cần Thơ đã tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân - truyền thông, vận động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình đồng loạt ở 9 quận, huyện thông qua hình thức trực tuyến.
Theo Bảo hiểm Xã hội thành phố, đến ngày 31/10, các chỉ tiêu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình chưa đạt theo yêu cầu, trong đó tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ đạt 60,03%.
Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 136.840 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (đạt 92,96%), có hai quận đạt và vượt chỉ tiêu đề ra là quận Ô Môn (111,19%) và quận Cái Răng (101,35%). Các quận, huyện còn lại đều chưa đạt chỉ tiêu, trong đó thấp nhất là Bình Thủy (81,61%). Thành phố có 17.348 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (đạt 60,03%); tất cả các quận, huyện đều chưa đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó đạt tỷ lệ cao nhất là huyện Cờ Đỏ (89,97%) và thấp nhất là Thốt Nốt (28,06%). Về bảo bảo hiểm y tế, 1.057.970 người tham gia, đạt độ bao phủ 84,81% dân số; chỉ có quận Ninh Kiều đạt và vượt chỉ tiêu.
Theo ông Đặng Văn Nở, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Cần Thơ, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Để đạt độ bao phủ bảo hiểm y tế 92% dân số, thành phố phải vận động 89.670 người tham gia mới. Để đạt 92,96% người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cần phát triển 10.460 người; để đạt chỉ tiêu 90,5% người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cần 11.552 người tham gia mới.
Về bảo hiểm xã hội tự nguyện, đa số người dân tham gia thường chọn mức đóng thấp nhất nên khi Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giảm nhiều, do mức tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng (trên 158.000 đồng/tháng). Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người tham gia khi thời gian tham gia dài nhưng chỉ hưởng được hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Do vậy, mặc dù xác định cuối năm phải đạt mục tiêu đề ra nhưng rất khó khăn đối với đơn vị để hoàn thành.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện nhận định, từ nay đến cuối năm còn chưa đầy hai tháng, có nhiều quận, huyện cần phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, do đó áp lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương rất là cao. Điển hình như quận Bình Thủy để đạt độ bao phủ 92% còn phải phát triển mới 32.875 người tham gia bảo hiểm y tế.
Để hoàn thành chỉ tiêu được giao, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Chủ tịch UBND ở các quận, huyện có các chỉ tiêu chưa đạt hoặc chỉ tiêu đạt thấp, phải quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra, chỉ đạo, điều hành; xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các đơn vị, địa phương phải xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu và tăng cường theo dõi chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện; có kế hoạch ra quân hàng ngày và hàng tuần, sơ kết, đánh giá kết quả ra quân nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được giao năm 2022./.
- Từ khóa:
- Cần Thơ
- bảo hiểm xã hội toàn dân
- bảo hiểm y tế