Phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tỉnh Thanh Hóa đã có bước phát triển mới, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng và đạt nhiều kết quả tích cực.
TTXVN - Ngày 31/10, Ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh tổ chức Hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo tỉnh Thanh Hóa lần thứ V, giai đoạn 2020-2022.
Dịp này, 100 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống "Tốt đời, đẹp đạo" giai đoạn 2020-2022 đã vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và Bằng khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, hệ thống dân vận và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, đồng bào các tôn giáo thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển kinh tế - xã hội.
Điểm nổi bật là phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tỉnh Thanh Hóa đã có bước phát triển mới, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng và đạt nhiều kết quả tích cực.
Nhiều khu dân cư của đồng bào Công giáo trở thành những điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội…
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng bào Công giáo đã tự nguyện đóng góp trên 20 tỷ đồng, hiến trên 90 ha đất, trên 67 nghìn ngày công, sửa chữa và làm mới nhiều nhà văn hóa thôn, hơn 700 km đường giao thông nông thôn và nhiều đèn điện chiếu sáng, góp phần xây dựng thành công 12 huyện, 346 xã, 902 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã và 242 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã.
Trong xây dựng đời sống văn hóa, hàng năm có 100% khu dân cư vùng đồng bào Công giáo đăng ký xây dựng khu dân cư văn hóa, 90% hộ gia đình đăng ký phấn đấu đạt gia đình văn hóa. Kết quả, năm 2020-2021 có trên 100 nghìn lượt gia đình được công nhận ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; hàng nghìn lượt con em đồng bào Công giáo thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng, sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định.
Với tinh thần “yêu thương và phục vụ”, đồng bào Công giáo cùng với các tầng lớp nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” ngày càng hiệu quả. Trong 2 năm, đã làm mới và sửa chữa 4.392 căn nhà Đại đoàn kết; tặng quà học sinh nghèo vượt khó, các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất trị giá hàng trăm tỷ đồng...
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng chúc mừng 100 đại biểu đồng bào Công giáo tiêu biểu về dự hội nghị. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh thường xuyên quan tâm tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động hiệu quả và nâng cao đời sống của đồng bào. Một số cơ sở thờ tự và công trình tôn giáo được xây dựng mới, sửa chữa khang trang, đẹp đẽ; số linh mục mới được bổ nhiệm tăng lên.
Vị trí, vai trò của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh và các địa phương được khẳng định. Nhiều hộ đồng bào Công giáo sinh sống ở ven sông đã được quan tâm cấp đất, hỗ trợ xây dựng nhà ở, yên tâm giữ đạo và chu toàn bổn phận công dân.
Bí thư Tỉnh ủy mong rằng các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác tôn giáo trong tình hình mới. Qua đó, vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, người dân sống “Tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên lắng nghe và chỉ đạo, phối hợp giải quyết các kiến nghị, phản ánh về những vấn đề hợp pháp, chính đáng mà các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào Công giáo và nhân dân quan tâm; tạo điều kiện thuận lợi để các linh mục, đồng bào Công giáo sinh hoạt tôn giáo, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh.
Đồng bào Công giáo cần tiếp tục gương mẫu đi đầu tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng truyền đạo trái phép; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, xây dựng bản, làng văn hóa, khu dân cư tiên tiến…/.