Xã hội

Cần xây dựng kế hoạch lâu dài để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao

Phú Thọ

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đổi mới phương thức đào tạo, gắn với nhu cầu thị trường lao động nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Công nhân Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì đều được đào tạo trước khi tham gia vào các quy trình sản xuất. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

(TTXVN) Phú Thọ được đánh giá là địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo tương đối cao so với trung bình của cả nước nhưng phần lớn ở trình độ từ sơ cấp đến dạy nghề. Với chất lượng đào tạo này, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Do đó, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm tỉnh Phú Thọ thực hiện thời gian tới.

* Cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đổi mới phương thức đào tạo, gắn với nhu cầu thị trường lao động nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đại diện Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ cho biết, nhà trường đã thành lập bộ phận theo dõi và liên hệ với cơ quan, doanh nghiệp, nắm bắt yêu cầu về vị trí việc làm, nhu cầu tuyển dụng. Từ đó, có điều chỉnh về nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp. Trường còn liên kết để tổ chức cho học sinh, sinh viên đến thực hành tại doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Nhờ đổi mới trong phương pháp đào tạo, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm đạt trên 90%, mức thu nhập trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng; trong đó học sinh, sinh viên làm đúng ngành nghề đào tạo đạt trên 75%. Học sinh, sinh viên của trường được đánh giá có kiến thức chuyên môn, tay nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Với phương châm “Tuyển sinh gắn với tuyển dụng”, Trường Đại học Hùng Vương đẩy mạnh hoạt động ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp. Đến nay, nhà trường có mối quan hệ với hơn 30 tập đoàn, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước trên tất cả lĩnh vực, ngành nghề như VinGroup, SunGroup... Nhiều doanh nghiệp, đối tác của nhà trường có nhu cầu tuyển dụng đã đặt hàng sinh viên sau tốt nghiệp với hàng nghìn vị trí việc làm có thu nhập hấp dẫn.

Đại diện Phòng Nhân sự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hanyang Digitech Vina, chuyên sản xuất bản mạch điện tử máy tính, tại Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ cho biết, công nhân được tuyển dụng hầu hết đã qua đào tạo, có kỹ năng nghề nghiệp, cơ bản bảo đảm yêu cầu của công ty.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ, hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã đổi mới theo hướng gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề để sinh viên, học viên tiếp cận thực tiễn sản xuất kinh doanh, kết hợp học lý thuyết với thực hành, nâng cao trình độ tay nghề. Nhờ vậy, giáo dục nghề nghiệp tiếp tục có bước phát triển, tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 70,7%, cao so với trung bình cả nước, tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 86%, cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn.

* Chưa đảm bảo nguồn chất lượng cao

Hiện Phú Thọ có hơn 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 22 cơ sở công lập, 8 cơ sở tư nhân, doanh nghiệp FDI. Mỗi năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp này tham gia đào tạo 49 nghìn người, trong đó lao động có trình độ Đại học là 8,8%, Cao đẳng 22,2%, Trung cấp 28% và sơ cấp nghề, đào tạo dưới 3 tháng là 41%.

Theo đánh giá của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, mặc dù tỷ lệ lao động qua đào tạo, truyền nghề tăng cao nhưng phần lớn số lao động được đào tạo ở tỉnh có trình độ sơ cấp, dạy nghề. Do vậy, việc ứng dụng khoa học, công nghệ và các tiến bộ khoa học, kỹ thuật còn hạn chế; khả năng thích ứng môi trường công nghiệp chậm, ý thức kỷ luật chưa cao, không có tác phong công nghiệp, mới cơ bản đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Chất lượng đào tạo này chưa đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Nguyên nhân do các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp đã được đầu tư, mở rộng nhưng chưa đạt theo chuẩn. Chương trình, giáo trình đào tạo nghề còn nhiều nội dung mang tính hình thức, chưa thường xuyên cập nhật, bổ sung cho phù hợp yêu cầu thị trường lao động; chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Việc liên kết đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động theo đơn đặt hàng chưa hiệu quả; kết nối giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động chưa chặt chẽ.

Cùng với đó công tác phát triển nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chính sách thu hút nhân tài, lao động có trình độ cao chưa hấp dẫn...

* Xây dựng kế hoạch lâu dài

Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết, để đào tạo đúng người, trúng nghề, tránh dàn trải, gây lãng phí, ngành đang khảo sát, cập nhật thông tin về nguồn cung, cầu thị trường lao động; điều tra nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp, có giải pháp đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phù hợp nhu cầu tuyển dụng thực tế của xã hội; đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, ngành tập trung rà soát, đổi mới hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, củng cố đội ngũ nhà giáo, bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng nghề và đầu tư cơ sở vật chất nâng cao chất lượng đào tạo. Ngành tăng cường hoạt động gắn kết giữa 3 nhà (Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp) trong đào tạo, giải quyết việc làm, đáp ứng thị trường lao động. Đồng thời, ngành sẽ tham mưu UBND xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn kết cơ sở giáo dục hướng nghiệp với doanh nghiệp, mở rộng hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư cơ sở, thiết bị, tỉnh tiếp tục có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài về địa phương làm việc; mời gọi chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên có trình độ Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, chuyên gia đầu ngành, thợ bậc cao về làm việc và giảng dạy. Tỉnh chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.

Với hơn 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp vừa được sắp xếp tinh gọn theo hướng mở và linh hoạt, đồng bộ, cùng với nhiều ngành nghề trọng điểm quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia, tỉnh phấn đấu hàng năm duy trì tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 85%, trong đó các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giải quyết khoảng 46,3 nghìn lao động… Đến năm 2025, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 72%, trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận chiếm 30%. Số lao động có việc làm mới tăng thêm 15.000-16.000 người/năm…/.

PV

Xem thêm