Xã hội

Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động

Hết năm 2022, có 58/63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; 16/19 Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thành lập 76 trung tâm, văn phòng, tổ tư vấn pháp luật.

Ông Trần Thanh Hải (giữa), Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

TTXVN - Hội nghị chuyên đề về thành lập mới, tổ chức lại Trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 15/5.

Tại Hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, hoạt động tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động rất quan trọng. Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố đã thực hiện công tác này nhưng cần phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Mô hình Trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động mới sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, tự đảm bảo chi thường xuyên (đối với đơn vị thực hiện kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại) và đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư (đối với đơn vị thành lập mới) hướng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW. Do vậy, cần chỉ ra vướng mắc và đề xuất, kiến nghị tìm hướng phát triển bền vững công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ người lao động trong tương lai, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Về sự cần thiết thành lập Trung tâm, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc tổ chức lại, thành lập mới Trung tâm sẽ đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, người lao động về tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tư vấn, hỗ trợ nâng cao về nhận thức pháp luật, kỹ năng khác phục vụ nhu cầu thiết yếu liên quan đến đời sống công nhân, lao động. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu của đoàn viên Công đoàn, cán bộ Công đoàn cơ sở về thu hút, tập hợp người lao động mà còn hỗ trợ Công đoàn cơ sở trong tổ chức, hoạt động Công đoàn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, nhiệm vụ của Trung tâm là tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tư vấn, hỗ trợ hoạt động của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở; tư vấn, hỗ trợ người lao động. Trung tâm thực hiện liên kết, phối hợp tổ chức huấn luyện, tuyên truyền về an toàn lao động, đào tạo nâng cao tay nghề, năng lực chuyên môn cho người lao động và thực hiện nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của tổ chức Công đoàn...

Tại Hội nghị, đại diện Liên đoàn Lao động các địa phương cũng chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Đề án phát triển Trung tâm tư vấn pháp luật thành Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động...

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến hết năm 2022, có 58/63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; 16/19 Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thành lập 76 trung tâm, văn phòng, tổ tư vấn pháp luật. Ngoài ra, có 2.945 cán bộ tư vấn pháp luật trong hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam; trong đó có 425 cán bộ tại cấp tỉnh, 2.520 cán bộ tại cấp trên trực tiếp cơ sở… thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho đoàn viên, người lao động; hỗ trợ thủ tục hành chính, khiếu nại, khởi kiện, tham gia tố tụng; tuyên truyền, phổ biến pháp luật và một số hoạt động khác…/.

Xem thêm