Việc chậm di dời cơ sở công nghiệp, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính ra khỏi nội đô đang gây ra nhiều áp lực về môi trường, hạ tầng đô thị khu vực trung tâm Hà Nội.
TTXVN - Thực hiện việc sắp xếp, di dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu dân cư trên địa bàn Hà Nội theo Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg, Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác di dời, tổ công tác giúp việc. Tuy nhiên, do sự thay đổi cũng như bất cập về cơ chế, chính sách dẫn đến tiến độ xử lý, di dời chậm; khó khăn trong việc xác định tiêu chí, thẩm quyền để đảm bảo đúng đối tượng đưa vào danh mục đề xuất di dời.
* Sự cấp thiết của việc di dời
Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch ra khỏi nội đô là đúng đắn, rất cấp thiết với Hà Nội. Việc này không chỉ giải quyết ô nhiễm môi trường mà còn tạo dư địa phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh tốt hơn.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, triển khai chỉ đạo của thành phố, Sở đã phối hợp cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các quận rà soát, cập nhật hồ sơ (đợt 1 các cơ sở nhà đất do doanh nghiệp đang sử dụng để sản xuất) phải di dời do không phù hợp với quy hoạch xây dựng là 90 cơ sở. Trong đó, 81 cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị ra khỏi khu vực nội thành theo thẩm quyền phê duyệt danh mục của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội; UBND thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng phê duyệt duyệt danh mục, lộ trình di dời đến năm 2030. 9 cơ sở nhà, đất thuộc doanh nghiệp Nhà nước đã được HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 8/7/2022 thông qua danh mục không phù hợp quy hoạch thuộc thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Đó là các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, đối với 5 huyện có đề án thành lập quận, Sở đã tổng hợp danh mục 114 cơ sở nhà, đất có cơ sở công nghiệp đề xuất đưa vào danh mục di dời; đồng thời, tiếp tục cập nhật báo cáo sau khi có quyết định thành lập quận theo Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến nhiệm vụ di dời này còn một số khó khăn, bất cập trong khi xác định đối tượng áp dụng và thẩm quyền phê duyệt danh mục đề xuất di dời. Điển hình như: Thẩm quyền phê duyệt danh mục di dời theo Quyết định số 130/QĐ-TTg là Thủ tướng Chính phủ, nhưng Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định Thủ tướng quyết định việc di dời do ô nhiễm môi trường và UBND cấp tỉnh sau khi có ý kiến của HĐND cùng cấp đối với di dời theo quy hoạch...
* Cần sớm ban hành danh mục cơ sở sản xuất phải di dời
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện cùng với yêu cầu đảm bảo thủ tục pháp lý chặt chẽ, tránh khiếu nại của các doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiến nghị, thành phố cho phép Sở chủ trì cùng các sở, ngành, UBND 12 quận và 5 huyện có đề án thành lập quận (Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì) lập danh mục cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp phải di dời do không phù hợp quy hoạch theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (chưa xét đến tiêu chí gây ô nhiễm môi trường do thẩm quyền phê duyệt danh mục là Thủ tướng Chính phủ). Sở đề xuất, thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, lập phương án xử lý, hình thức xử lý nhà, đất tại vị trí cũ khi di dời theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP...
Qua khảo sát mới đây của Ban Đô thị - HĐND thành phố Hà Nội tại 3 doanh nghiệp thuộc diện di dời trên địa bàn quận Đống Đa, các đơn vị và UBND quận đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội có ý kiến với Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý các dự án đường sắt sớm triển khai Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội; lên phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Xây lắp và Cơ khí cầu đường có kinh phí để di dời ổn định sản xuất.
Theo UBND quận Đống Đa, địa bàn có 14 cơ sở nằm trong danh mục các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch. Đến hết tháng 12/2022 có 7 cơ sở đã ngừng hoạt động sản xuất; một cơ sở nằm trong danh mục phải di dời đợt 1 theo Nghị quyết số 17/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội; còn lại 6 cơ sở đang thực hiện di dời.
Từ thực tế kiểm tra, Đoàn khảo sát của HĐND thành phố Hà Nội, UBND quận Đống Đa và một số sở, ngành đã làm rõ thêm những nội dung về cơ chế quản lý với các cơ sở vẫn đang hoạt động để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; việc di dời các cơ sở nằm trong diện quy hoạch trường học; công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của cử tri và nhân dân Thủ đô.
Trước những kiến nghị của các đơn vị, Trưởng Ban Đô thị - HĐND thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân đề nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành quyết định danh mục cơ sở di dời theo Nghị quyết số 17/NQ-HĐND của HĐND thành phố; kiện toàn Ban Chỉ đạo; tiếp tục đề xuất các giai đoạn tiếp theo; đồng thời, yêu cầu 12 quận khẩn trương rà soát, xác định tính pháp lý của các cơ sở thuộc diện phải di dời. Trên cơ sở đó, cần có kế hoạch rà soát, đề xuất thực hiện theo giai đoạn, trình HĐND thành phố Hà Nội thông qua danh mục.
114 cơ sở của 5 huyện có đề án thành lập quận và 2 khu vực dự kiến phát triển lên thành phố sẽ thực hiện trong chu kỳ tiếp theo và cần phải làm sớm để hạn chế phát triển các cơ sở công nghiệp không phải ngành công nghiệp xanh, thông minh. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sớm báo cáo để thành phố có lộ trình dài hạn.
Có thể thấy, việc chậm di dời cơ sở công nghiệp, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính ra khỏi nội đô đang gây ra nhiều áp lực về môi trường, hạ tầng đô thị khu vực trung tâm Hà Nội. Rất nhiều cơ sở gây ô nhiễm vẫn cố duy trì hoạt động sản xuất. Một số cơ sở đã dừng sản xuất nhưng vẫn chưa tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây lãng phí, bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân cũng như quy hoạch chung Thủ đô.
"Với nhiệm vụ cấp thiết này, Hà Nội cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc doanh nghiệp phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất, nhận sự hỗ trợ dịch chuyển. Đơn vị nào cố tình chây ỳ, không thực hiện di dời khi đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, thành phố cần ban hành quyết định cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất", một chuyên gia nêu ý kiến../.