Sức khỏe

Cập nhật chuyên môn sâu trong lĩnh vực Sản phụ khoa

Hội nghị được tổ chức trong 4 ngày (từ 13 - 16/6) nhằm cung cấp thông tin các kỹ thuật mới, đào tạo nhân lực y tế, chẩn đoán trước khi sinh, phụ khoa, ung thư, sản khoa, hỗ trợ sinh sản…

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

TTXVN - Tối 14/6, tại Hà Nội, Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) phối hợp với Vụ Bảo vệ Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), Liên đoàn Sản phụ khoa châu Á - châu Đại dương (AOFOG) tổ chức Hội nghị Sản phụ khoa toàn quốc năm 2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lẵng hoa chúc mừng.

Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam và hơn 1.000 đại biểu là các chuyên gia đến từ 26 quốc gia, các tổ chức quốc tế về Sản phụ khoa như Hiệp hội Sản phụ khoa châu Á và châu Đại dương (AOFOG), Liên đoàn Sản phụ khoa quốc tế, Hội Sản phụ khoa châu Âu, các viện nghiên cứu…; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh đến từ các cơ sở y tế, các trường đại học, các bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa, sản nhi... trên cả nước.

Hội nghị được tổ chức trong 4 ngày (từ 13 - 16/6) nhằm trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu những phát hiện khoa học mới trong lĩnh vực sản, phụ khoa. Hội nghị cung cấp thông tin các kỹ thuật mới, đào tạo nhân lực y tế, chẩn đoán trước khi sinh, phụ khoa, ung thư, sản khoa, hỗ trợ sinh sản…

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, đây là một trong những hội nghị có uy tín, được mong chờ nhất trong năm, thu hút một số lượng lớn bác sĩ và nhân viên y tế tham gia.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và các Mục tiêu phát triển bền vững ở tầm quốc tế, Chiến lược chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Việt Nam, chuyên ngành Sản phụ khoa đóng vai trò chủ đạo trong việc trực tiếp triển khai các hoạt động chuyên môn. “Trong đó, việc cập nhật, trao đổi, chia sẻ thông tin chuyên môn giữa các đồng nghiệp, cũng như định hướng, tham mưu cho Bộ Y tế đóng một vai trò rất quan trọng”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu rõ.

Các đại biểu quốc tế dự Hội nghị. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Khẳng định Hội Phụ sản Việt Nam là một trong những hội chuyên môn phát triển nổi bật nhất trong số hơn 100 hội nghề nghiệp trong lĩnh vực y tế hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đây là cơ hội để những người làm chuyên môn chia sẻ và học hỏi lẫn nhau, giúp ích rất nhiều trong hoạt động của các đơn vị. Đặc biệt sự kết hợp với các tổ chức xã hội có uy tín trên thế giới trong sự kiện lần này sẽ giúp Hội Phụ sản Việt Nam đổi mới, cập nhật và phát triển tổ chức của mình.

“Bộ Y tế mong muốn Hội nghị luôn là một diễn đàn khoa học có uy tín để cập nhật các kiến thức khoa học, và kinh nghiệm lâm sàng, cũng như các tiến bộ về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân mà Đảng, Chính phủ, nhân dân đã tin tưởng giao phó”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Hội nghị bao gồm một phiên toàn thể, 8 phiên chuyên đề và 5 hội thảo vệ tinh với nhiều báo cáo cập nhật chuyên môn sâu của các chuyên gia trong nước và quốc tế; cùng một khóa đào tạo liên tục trước hội nghị có chủ đề: “Sự bền vững của các phẫu thuật xâm lấn tối thiểu: Từ cơ bản đến nâng cao” với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sản phụ khoa.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam cùng các đại biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Các phiên họp và hội thảo vệ tinh tập trung vào các chủ đề chính như: Tối ưu hóa mổ lấy thai, Tối ưu hóa phòng ngừa băng huyết sau sinh với Carbetocin, chẩn đoán trước sinh - Y học thai nhi và sơ sinh, nội tiết và hỗ trợ sinh sản, Quản lý tiền sản giật, Ung thư phụ khoa, Phá thai bằng bơm hút chân không: từ lý thuyết đến thực tiễn lâm sàng, Sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn sản phụ khoa…

Các tham luận, báo cáo của các đại biểu đã đề cập đến các vấn đề thiết thực, thu hút được nhiều quan tâm như: Các phẫu thuật can thiệp trong hỗ trợ sinh sản do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam; Chăm sóc trong khi sinh theo Tổ chức Y tế thế giới để có trải nghiệm sinh nở tích cực (Giáo sư Pisake Lumbiganon - Chủ tịch AOFOG); Ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn của sinh mổ đối với sức khỏe người phụ nữ; Các can thiệp phi lâm sàng để giảm tỷ lệ mổ lấy thai: Kinh nghiệm từ Việt Nam…

Các vấn đề như: Trầm cảm trong thai kỳ và sau sinh: thực tiễn - giải pháp; Quan niệm đúng về nội tiết mãn kinh; Thụ tinh ống nghiệm 45 năm: chúng ta đang ở đâu?; Những điểm mới trong điều trị vô sinh nam?; Điều trị các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung… sẽ được các đại biểu phân tích, trao đổi từ kinh nghiệm thực tiễn.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) là hội nghề nghiệp tự nguyện của các bác sĩ, nhà khoa học, nhân viên y tế đang công tác trong lĩnh vực Sản phụ khoa và Sơ sinh trong cả nước. Hội được thành lập nhằm giúp các thành viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hành sản phụ khoa, cập nhật các hướng dẫn lâm sàng, các báo cáo nghiên cứu khoa học, các chương trình đào tạo trong lĩnh vực sản phụ khoa trên thế giới và tại Việt Nam./.

Bích Thủy

Xem thêm