Sức khỏe

Cập nhật những vấn đề hậu COVID-19 và chủng ngừa

Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học quốc gia chủ đề "Cập nhật những vấn đề hậu COVID-19 và chủng ngừa COVID-19" nhằm tạo quan điểm chủ động, tích cực của đơn vị liên quan tham gia vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc gia chủ đề "Cập nhật những vấn đề hậu COVID-19 và chủng ngừa COVID-19". (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

(TTXVN)  Ngày 30/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp Sở Y tế, Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia chủ đề "Cập nhật những vấn đề hậu COVID-19 và chủng ngừa COVID-19".

Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến cho biết, thời gian qua, nhiều thành viên, tổ chức khoa học công nghệ của Liên hiệp hội đã chủ động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong phòng và điều trị COVID-19 như nghiên cứu thuốc điều trị có thành phần kết hợp đông-tây y, chế tạo hệ thống khử khuẩn diệt virus công nghệ Plasma, sản xuất dung dịch sát khuẩn từ thảo dược…

Hội thảo nhằm tạo quan điểm chủ động, tích cực của các nhà khoa học, nhà quản lý, viện nghiên cứu, Hội Khoa học và Kỹ thuật tham gia vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao hiểu biết, hiểu đúng về hậu COVID-19 cùng những vấn đề liên quan tới tiêm chủng.

Ban Tổ chức đã nhận được gần 70 bài báo cáo, bài viết của chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực y tế với nhiều góc nhìn khác nhau, liên quan tới chủ đề Hội thảo. Trong đó, 7 báo cáo tiêu biểu được trình bày trực tiếp tại Hội thảo và truyền hình trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Một số báo cáo được đánh giá cao, mang tính cập nhật về mối liên quan giữa hậu COVID-19 và các biến chứng trong tim mạch, tâm thần kinh, sức khỏe sinh sản, cũng như vấn đề liên quan đến vaccine phòng bệnh này. Điển hình là báo cáo "Hậu COVID-19 và các biến chứng tim mạch" của Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam; "Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến các nhóm người có nguy cơ cao và hiệu quả của vaccine" của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Xuân Chương, Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm miền Trung-Tây Nguyên; "Cập nhật thuốc điều trị và chăm sóc đặc biệt bệnh nhân COVID-19" của Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Các báo cáo đã chỉ ra tác động bất lợi của COVID-19 đến tim mạch, tâm thần kinh, sinh sản, phổi… Biến chứng tim mạch thường gặp ở bệnh nhân mắc COVID-19 gồm biến động huyết áp, viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, tắc mạch phổi và các chi. Những biến đổi tâm thần kinh rất đa dạng trong giai đoạn hậu COVID-19 như suy giảm nhận thức, rối loạn lo âu, giấc ngủ, trầm cảm…

Để cải thiện các biến chứng hậu COVID-19, bệnh nhân cần được theo dõi, chăm sóc, kéo dài thời gian điều trị bắt đầu liệu pháp bảo vệ tim mạch, kháng virus, duy trì hoạt động thể chất và phục hồi chức năng tim mạch. Trong khi đó, phấn lớn biến đổi về tâm thần, thần kinh sau mắc COVID-19 có thể được phòng ngừa, giảm nhẹ bằng việc thay đổi lối sống, thực hiện phương pháp thư giãn hợp lý. Trường hợp nặng, bệnh nhân nên đến khám chuyên khoa để có thể đạt được tỷ lệ hồi phục cao.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đồng tình về tầm quan trọng của tiêm phòng COVID-19 và tiêm mũi nhắc lại. Trình bày báo cáo tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Bình, Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) khẳng định, người dân tiêm chủng đầy đủ là bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng. Khi còn virus lưu hành, tiêm mũi nhắc lại là rất cần thiết.

Tại Việt Nam, số ca mắc COVID-19 hiện nay là hơn 11.500.000 ca, trong đó có hơn 43.000 ca tử vong. Trong quá trình điều trị và theo dõi, phần lớn người mắc phục hồi sau 2-6 tuần và trở lại sức khỏe bình thường. Một số trường hợp có triệu chứng kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng sau khi hồi phục từ khi mắc COVID-19.

Đặc biệt, những người không nhập viện và bị bệnh nhẹ có thể gặp triệu chứng dai dẳng hoặc muộn. Một số bệnh nhân phát triển các biến chứng về nội khoa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Tình trạng sức khỏe bệnh nhân suy yếu dai dẳng do COVID-19 này được gọi là hội chứng hậu COVID-19 cấp./.

Mai Trang

Xem thêm