Các cấp Công đoàn tỉnh Bến Tre tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động trước "làn sóng" mất việc cuối năm với phương châm "Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết".
(TTXVN) Gần đây do biến động của thị trường, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, dẫn tới phải cắt giảm việc làm của người lao động. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhiều người lao động, nhất là khi Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023 đang cận kề. Trước tình hình này, Liên đoàn Lao động tỉnh Bến Tre đã có nhiều phương án để hỗ trợ, chăm lo người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Theo thống kê từ các cấp Công đoàn tỉnh, tính đến cuối tháng 11/2022, Bến Tre có trên 4.700 công nhân lao động bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng, chấm dứt hợp đồng lao động. Số công nhân lao động bị cắt giảm trong 2 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 2.086 người, tập trung chủ yếu vào ngành nghề dệt may. Các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có 2.650 lao động thuộc các ngành da giày, cơ khí, thủ công mỹ nghệ... bị ảnh hưởng đến việc giảm giờ làm và cắt giảm lao động.
Nguyên nhân là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chi phí đầu vào cao; bị thiếu, cắt giảm đơn hàng trực tiếp từ đối tác nước ngoài, nhiều công ty không ký được đơn hàng chủ yếu ở các nước châu Âu nên phải thu hẹp sản xuất, tạm hoãn hợp đồng, hoặc đưa ra lộ trình không tiếp tục ký kết hợp đồng lao động đối với những người lao động hết hạn hợp đồng… Dự báo, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong những tháng đầu năm 2023, thậm chí đến hết Quý I/2023.
Ông Nguyễn Phúc Linh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bến Tre cho biết, đối với công nhân lao động bị tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động, các cấp Công đoàn đã chủ động phối hợp người sử dụng lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật như thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của người lao động, hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động…
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn chủ động nắm bắt đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm giờ làm, giờ nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động; nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, các cấp Công đoàn nắm chắc tình hình của doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động để đề nghị người sử dụng lao động sớm xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, thưởng và các chế độ, chính sách khác cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đặc biệt chỉ đạo Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Đồng Khởi tập trung truyền thông, tư vấn việc làm nhằm tạo việc làm mới cho công nhân lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; chỉ đạo các cấp Công đoàn rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp tại địa phương, các công ty tại các khu công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động để kịp thời kết nối doanh nghiệp, giới thiệu việc làm.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động, để kịp thời động viên, hỗ trợ đoàn viên và người lao động nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc với chủ đề "Tết Sum vầy - Xuân gắn kết" và phương châm "Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết". Các cấp Công đoàn tuyên truyền vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, tổ chức hoạt động chăm lo cho đoàn viên, tạo sự lan tỏa sâu rộng của chương trình "Tết Sum vầy - Xuân gắn kết"; động viên đoàn viên, người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn chi hỗ trợ 500.000 đồng cho 8.418 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện trên 100 triệu đồng để tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động nghèo.
Để hỗ trợ thực hiện pháp luật lao động, tiền lương và quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành công văn về việc tăng cường các biện pháp hỗ trợ người lao động bị cắt giảm việc làm trong các doanh nghiệp.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động theo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhất là số lao động bị cắt giảm việc làm trong và ngoài tỉnh.
Người lao động chưa tìm được việc làm, đang trong thời gian thất nghiệp, đã chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động và có tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên, được hướng dẫn làm thủ tục để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thống kê, rà soát nắm tình hình lao động ở các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, để có hướng điều tiết các doanh nghiệp đang cắt giảm lao động sang các doanh nghiệp vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng lao động; theo dõi sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý khi có xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công phát sinh trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng phải cắt giảm lao động; kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đồng thời, Sở tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm đơn hàng, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; phối hợp thống kê, rà soát nắm tình hình lao động ở các cụm công nghiệp, để có giải pháp điều tiết lao động bị cắt giảm, giữa các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh một cách hợp lý.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định việc làm cho người lao động.
UBND các huyện, thành phố chủ động, phối hợp nắm tình hình về lao động, tiền lương, tiền thưởng, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp nắm tình hình cắt giảm lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là số lao động của tỉnh tham gia làm việc ngoài tỉnh bị cắt giảm lao động quay trở về địa phương, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được biết để tham mưu tổ chức các hoạt động tư vấn, kết nối việc làm cho lực lượng lao động này.../.