Văn hóa

Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức giáo dục di sản văn hóa phi vật thể

Hà Nội

Đây là dịp để các đại biểu trao đổi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động giáo dục di sản văn hóa phi vật thể, nghi lễ và trò chơi kéo co, là cơ hội để Việt Nam học hỏi cách thức tổ chức và giáo dục di sản đa thế hệ của Hàn Quốc.

Kéo co ngồi thể hiện cao tinh thần đồng đội của những người tham gia. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

TTXVN - Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ngày 17/11 đã diễn ra Tọa đàm giáo dục di sản kéo co với Hội kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc). Sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức.

Tham gia sự kiện có các đại biểu đến từ Hội Kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc), đại diện các bảo tàng, di tích và trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là dịp để các đại biểu chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động giáo dục di sản văn hóa phi vật thể nói chung, nghi lễ và trò chơi kéo co nói riêng; đồng thời là cơ hội để Việt Nam học hỏi cách thức tổ chức và giáo dục di sản đa thế hệ từ kinh nghiệm của Hàn Quốc.

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ chia sẻ, nghi lễ và trò chơi kéo co là di sản văn hóa vô cùng quý giá, vừa là trò chơi hấp dẫn, vừa là nghi lễ thiêng liêng gắn kết với đời sống tinh thần, tâm linh và ước vọng tốt đẹp của cộng đồng, với những sắc thái riêng của mỗi quốc gia và mỗi vùng miền.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh cho rằng, thành phố có cả một chương trình về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nên việc tìm giải pháp tốt nhất để bảo tồn, phát huy giá trị di sản đang được thành phố quan tâm, trong đó có nghi lễ và trò chơi kéo co.

Thi đấu môn kéo co một trong những môn thu hút đông đảo người dân cùng du khách thập phương tham gia. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Đại diện các bảo tàng trên địa bàn Hà Nội: Dân tộc học, Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội và các di tích: Văn Miếu - Quốc Tử Giám…đã trao đổi về công tác giáo dục di sản. Đó là việc tích cực phối hợp với các trường đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm, xây dựng các chương trình giáo dục di sản hấp dẫn, các tour tham quan khám phá di sản...

Thư ký Hội kéo co Gijisi Jeong Seok chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức hoạt động giáo dục di sản kéo co ở Hàn Quốc. Khi kéo co được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong quá trình phát triển và vận hành chương trình giáo dục di sản văn hóa, Hội kéo co Gijisi đã sáng tạo Hộp giáo dục kéo co. Hộp giáo dục kéo co được phát triển năm 2020 làm nền tảng văn hóa giáo dục cho các thế hệ tương lai, trong đó, chứa đựng các thông tin, mô hình về di sản văn hóa kéo co, cách thức thực hành phục vụ giáo dục di sản.

Phía Hàn Quốc mang đến sợi dây kéo co dài 200 m, mỗi bên 100 m bện bằng rơm và được các sinh viên Việt Nam hưởng ứng trình diễn. Dịp này, thành phố Dangjin tặng Hộp giáo dục kéo co cho Bảo tàng Hà Nội, đồng thời trình diễn và giới thiệu những nét đặc sắc của di sản trò chơi kéo co Gijisi tại Hàn Quốc.

Năm 2015, nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việt Nam có 4 địa phương là Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nội có di sản được ghi danh.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và quận Long Biên tổ chức Liên hoan, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại nghi lễ và trò chơi kéo co năm 2023 trong hai ngày 17 - 18/11.

Cùng với tọa đàm về giáo dục di sản kéo co, tại Liên hoan diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như triển lãm “Chung một sợi dây” giới thiệu các hình ảnh, tư liệu về ý nghĩa, hình thức nghi lễ và trò chơi kéo co tại bốn quốc gia; tọa đàm quốc tế bảo vệ và phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại; giao lưu trình diễn nghi lễ và trò chơi kéo co diễn ra tại đền Trấn Vũ, quận Long Biên.

Với sự tham gia của gần 500 nghệ nhân và người thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co đến từ các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội và thành phố Dangin (tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc), Liên hoan là dịp tăng cường kết nối và trao đổi giữa các cộng đồng thực hành di sản nghi lễ và trò chơi kéo co tại Việt Nam và các quốc gia có di sản được ghi danh./.

Đinh Thuận

Xem thêm