Chính phủ hành động

Chính quyền 2 cấp: Khai thác tốt tiềm năng, đưa Khánh Hòa “vươn ra biển lớn”

Khánh Hòa

Tỉnh Khánh Hòa sẽ chú trọng vươn ra khơi xa vừa làm kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Để làm được những điều trên, đầu tiên, tỉnh xác định phát triển những mảng trụ cột đặc trưng kinh tế biển

Trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa trong ngày làm việc đầu tiên của chính quyền địa phương 2 cấp
Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN

Việc hợp nhất hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận (cũ) thành tỉnh Khánh Hòa mới là một quyết định mang tính lịch sử, được toàn bộ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh ủng hộ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa mới đặt niềm tin và quyết tâm vượt mọi khó khăn thách thức, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đặt ra, đưa Khánh Hòa "vươn ra biển lớn".

*Vì nhân dân phục vụ, đưa Khánh Hòa vươn xa

Kể từ ngày 1/7, khi chính thức đi vào vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, đến nay người dân ở phường Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã quen với việc đến trụ sở mới, xếp hàng lấy số và chờ giải quyết các thủ tục hành chính. Ông Trần Xuân Tây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Nha Trang cho biết, các công chức, viên chức và người lao động làm việc tại phường trong những ngày qua đã nỗ lực hết sức, vừa làm việc vừa nâng tầm nghiệp vụ chuyên môn, để đáp ứng khối lượng công việc lớn, theo phương châm nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ. Thời gian đầu hoạt động, nhìn chung sự vận hành thông suốt. Phường Nha Trang có nhiều yếu tố thuận lợi, trong đó vịnh Nha Trang và bãi biển dài đẹp được khai thác phát triển du lịch từ sớm, từ trước. Khai thác những điều kiện ưu đãi của thiên nhiên, phường Nha Trang định hướng đưa lĩnh vực du lịch, dịch vụ là kinh tế mũi nhọn.

Nhấn mạnh việc cần làm, ông Trần Xuân Tây cho biết địa phương sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình, hành động đảm bảo an ninh, an toàn trật tự cho người dân, nhất là về vấn đề phòng, chống tội phạm ma túy; nâng cao chất lượng giáo dục các cấp tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn phường. Phấn đấu đưa phường Nha Trang trở thành phường có chất lượng giáo dục hàng đầu, đội ngũ giáo viên ở các trường tốt nhất, học sinh vào đầu cấp được xét tuyển công bằng, có chất lượng nhất.

Cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công phường Phan Rang (Khánh Hòa) hướng dẫn người dân đăng ký thông tin giải quyết thủ tục hành chính
Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Trong bối cảnh có nhiều thách thức, thuận lợi và khó khăn đan xen như thời điểm hiện nay, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của các cấp chính quyền, tỉnh Khánh Hòa đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật. Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất cả nước; chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; kết cấu kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đẩy mạnh đầu tư đồng bộ, hiện đại, đảm bảo được tính kết nối cao. Cùng với đó, liên kết vùng được tăng cường, có hiệu quả thu hút và sử dụng các nguồn lực được nâng cao; công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị và hành chính công cấp tỉnh có sự chuyển biến tích cực, tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển...

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho rằng, cơ hội đổi mới của Khánh Hòa trong thời gian tới là rất lớn mà không phải địa phương nào cũng có. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ bắt tay vào một số việc trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ quốc phòng an ninh; trong đó nhiệm vụ phát triển kinh tế biển có tầm quan trọng và chiến lược. Với đường bờ biển dài gần 500km và 4 vịnh biển có những giá trị đặc biệt, gồm: Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang và Vĩnh Hy, lại có vùng biển khơi rộng lớn, hàng trăm đảo lớn nhỏ, trong đó có  Quần đảo Trường Sa và đặc khu Trường Sa, Khánh Hòa có nhiều lợi thế để phát triển mạnh kinh tế biển.

Tỉnh sẽ chú trọng vươn ra khơi xa vừa làm kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Để làm được những điều trên, đầu tiên, Khánh Hòa xác định phát triển những mảng trụ cột đặc trưng kinh tế biển như: công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics, công nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó là tiếp tục phát triển ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, mang tầm vóc đẳng cấp quốc tế.

“Chúng ta cố gắng khai thác thật tốt những tiềm năng, lợi thế này và có những bước đi thật chắc chắn, chặt chẽ, đúng các quy định của pháp luật. Khi xác định được mục tiêu, chỉ tiêu và cách thức thì sẽ triển khai hành động trên một tâm thế quyết liệt, quyết tâm cao hơn để đưa Khánh Hòa phát triển vươn xa”, ông Trần Quốc Nam chia sẻ.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Phan Rang, tỉnh Khánh Hòa
Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

*Giải quyết các điểm nghẽn, nâng tầm phát triển Khánh Hòa

Khẳng định Khánh Hòa sau sáp nhập đã hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành phân tích: Về mặt thiên thời, Khánh Hòa được Bộ chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW về Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội ban hành nghị quyết 55 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận; Nghị quyết số 189/2025/QH15 của QH về một số cơ chế, chính sách đặc thù đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Cùng với đó, trong thập niên này hạ tầng giao thông của tỉnh đột phá ở các lĩnh vực, đường bộ, đường biển, đường không, đường sắt: cao tốc Vân Phong - Nha Trang; cao tốc Khánh Hòa - Buộn Ma Thuột; tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo; đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná...; và chủ trương xây dựng Khánh Hòa mới trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, với tổng công suất dự kiến hơn 22.000 MW, góp phần đảm bao an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung.

Trong khi đó, xét về yếu tố địa lợi, Khánh Hòa mới hiện nay vằm ở vị trí chiến lược gần tuyến hàng hải quốc tế; diện tích tự nhiên rộng lớn 8.557 km, dân số trên 2 triệu người, 3 cảng biển lớn: cảng Cam Ranh; cảng Nha Trang; cảng Cà Ná là điều kiện lý tưởng, tiềm năng lớn phát triển các ngành kinh tế biển: công nghiệp, công nghiệp năng lượng sạch, dịch vụ du lịch, logicstics ... Hiện tại, tỉnh còn quỹ đất phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch khả năng mở rộng lớn. Yếu tố lợi thế cuối cùng cần phải kể đến là lịch sử truyền thống và văn hóa người dân có nhiều nét tương đồng; truyền thống cách mạng, đoàn kết, hiền hòa, nhân ái, tạo nên sức mạnh tổng hợp.

“Khánh Hòa đang đứng trước tiềm năng, cơ hội, vận hội lớn chưa từng có. Không gian phát triển mới sau hợp nhất sẽ mở ra cơ hội to lớn, đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm đột phá để nhanh chóng chuyển hóa các cơ hội, tiềm năng nổi trội thành các nguồn lực, động lực phát triển, đồng thời với giải quyết các điểm nghẽn, đưa Khánh Hòa bước vào một thập niên nâng tầm phát triển nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố tăng trưởng cao nhất cả nước”.

Tỉnh Khánh Hòa vững bước tiến vào kỷ nguyên mới
Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành cũng xác định, trong thời gian tới, hành trình mới sau sáp nhập chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, từ tổ chức bộ máy, cán bộ, đến phân bổ nguồn lực, vận hành hệ thống mới, giải quyết chính sách, đảm bảo sự đồng thuận xã hội...

Do đó, ngay trong đầu tháng 7, chính quyền 2 cấp đẩy mạnh tập trung mọi nguồn lực, tăng cường chỉ đạo sâu sát giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính từ tỉnh tới các xã, phường đảm bảo thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; không để gián đoạn hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội và chăm lo đời sống người dân. Cùng với đó, tiến hành công tác tổ chức, cán bộ theo thẩm quyền cụ thể, rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”.

6 tháng còn lại của năm nay, tỉnh Khánh Hòa tập trung mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; triển khai đồng bộ các giải pháp tạo nền tảng phát triển vững chắc, hoàn thành toàn diện, đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm và 50 nhiệm vụ đột phá năm 2025. Đồng thời, tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả bộ công cụ đo lường, đánh giá kết quả, hiệu quả công tác (KPI) đối với tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phạm vi toàn tỉnh, làm cơ sở quan trọng để thực hiện liên thông trong công tác cán bộ; đặc biệt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thật tốt Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV./.

Phan Thị Sáu

Tin liên quan

Xem thêm