Cử tri bày tỏ đồng tình với chủ trương quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước; mong muốn làm tốt hơn nữa công tác bổ nhiệm cán bộ.
TTXVN - Chiều 28/6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã có cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn thành phố, thông báo về kết quả Kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV và lắng nghe, giải đáp kiến nghị của cử tri. Các ý kiến tại buổi tiếp xúc đánh giá cao kết quả và nội dung của chương trình kỳ họp; đồng thời gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng những kiến nghị liên quan đến nhiều lĩnh vực đông đảo người dân quan tâm. Đặc biệt, cử tri bày tỏ đồng tình với chủ trương quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước; mong muốn bên cạnh việc sớm đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực nhằm thu hồi tài sản thất thoát, cần làm tốt hơn nữa công tác bổ nhiệm cán bộ.
Cử tri Nguyễn Thị Hương, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê cho rằng, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh và xử lý cương quyết, rất hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân cả nước. Cử tri đề nghị, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực nhằm thu hồi tài sản thất thoát, cần có sự quyết liệt của các cơ quan chức năng thực hiện các quy định, quy chế để kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng quy trình bổ nhiệm cán bộ ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực...
Quan tâm đến tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, cử tri Nguyễn Thị Hương cho rằng, mặc dù Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu phải quyết liệt hơn vấn đề này; trong đó nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công. Cử tri đề nghị Chính phủ cần tăng cường kiểm tra, đánh giá, phê bình, nhắc nhở, xử lý quyết liệt các trường hợp không hoàn thành; đồng thời khen thưởng kịp thời những nơi làm tốt.
Vấn đề giá điện cũng nhận được sự quan tâm của nhiều cử tri Đà Nẵng tại buổi tiếp xúc, nhất là việc thu, chi của ngành Điện thời gian qua. Cử tri Bùi Đức Nhược, tổ 50 phường Thạc Gián, quận Thanh Khê cho rằng, tháng 5/2023, giá điện tiêu thụ đã được điều chỉnh tăng 3%, tuy nhiên việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa đề xuất tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9/2023 làm nhân dân hết sức quan tâm, lo lắng. Bởi việc tăng giá điện cao sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có chương trình giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn diện ngành Điện; làm rõ các vấn đề còn tồn tại, tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, yếu kém, để từ đó, tiếp tục đổi mới và kinh doanh hiệu quả, tính toán cơ cấu giá điện cho hợp lý nhất, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bày tỏ lo lắng về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, cử tri Nguyễn Thị Thúy Hà, phường Bình Thuận, quận Hải Châu, cho rằng, thời gian qua, công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế trên cả nước, trong đó có các cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc điều trị cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo. Nêu quan điểm cho rằng Bộ Y tế cũng đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn chưa giải quyết được tình trạng trên, cử tri Nguyễn Thị Thúy Hà đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương có biện pháp khắc phục vì mục tiêu đảm bảo sức khỏe của nhân dân.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, các ý kiến góp ý của cử tri rất sâu sắc, đề cập đến những vấn đề quốc kế dân sinh, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội và phù hợp với những nội dung đang được Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Đánh giá cao đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà các cử tri Đà Nẵng nêu ra, Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao trên cả bình diện trung ương cũng như địa phương với tư tưởng: “Không dừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”.
Nhắc lại câu nói: “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi; sâu chỗ nào, dột chỗ nào thì xử lý chỗ đó”, Chủ tịch nước nêu rõ, việc này trong thời gian qua diễn ra đúng như vậy, thậm chí được làm mạnh mẽ, quyết liệt và sâu sắc hơn. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, việc chống tham nhũng, tiêu cực đã được triển khai đồng bộ hơn từ phạm vi từ trung ương đến các tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, theo Chủ tịch nước, bên cạnh việc “chống”, nhiệm vụ “phòng, ngừa” cũng được triển khai tích cực. Sau mỗi vụ án, sau mỗi quy trình xử lý sai phạm trong mỗi lĩnh vực thì đều có chỉ đạo để hoàn thiện cơ chế, pháp luật “rà soát lại để bịt lỗ hổng về cơ chế”, để cán bộ, công chức suy thoái không có điều kiện lợi dụng lỗ hổng pháp luật để trục lợi cho mình hoặc nhóm lợi ích của mình.
Cùng với đó là chủ trương cổ vũ, bảo vệ, khuyến khích sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy chính quyền các cấp trong công việc chung; đồng thời cũng xử lý nghiêm những cán bộ có tư tưởng bàn lùi, né tránh, sợ trách nhiệm, muốn an toàn theo kiểu “không làm gì hết”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
“Mình là cán bộ công chức mà thấy việc đó người dân cần, xã hội cần mà mình không làm thì cũng xứng đáng bị xử lý”, Chủ tịch nước nói và khẳng định, đây cũng là nội dung trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng cần tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.
Tán thành ý kiến của cử tri về đề nghị thanh tra toàn diện ngành Điện, Chủ tịch nước cho biết, đây cũng là nội dung được nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội nêu ra; đồng thời khẳng định, vấn đề này sẽ được triển khai một cách rất nghiêm túc trong thời gian tới.
Giải đáp kiến nghị của cử tri đối với vấn đề thuốc và vật tư y tế, Chủ tịch nước nêu rõ, vừa qua các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực khắc phục, xử lý. Quốc hội, Chính phủ cũng đã xem xét tích cực, chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm thuốc, vật tư y tế cho người dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, mới chỉ tháo gỡ được bước đầu, chưa thực sự căn cơ. Vẫn còn tình trạng thuốc phải mua giá cao, không được bảo hiểm y tế thanh toán hoặc phải chờ vài ngày, Chủ tịch nước nói và cho biết, tồn tại này sẽ sớm được khắc phục, để đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe người dân.
*Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, trong sáng nay, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm và chúc mừng gia đình Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Hoàng, sinh năm 1924, hiện sinh sống cùng gia đình, con cháu tại phường Bình Thuận, thành phố Đà Nẵng.
Thăm hỏi và tặng quà gia đình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, gia đình Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Hoàng gồm nhiều thế hệ cùng chung sống có trách nhiệm với xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, xã hội phân công, là một gia đình hình mẫu để nhân rộng. Khẳng định tầm quan trọng, vai trò của gia đình trong xã hội, Chủ tịch nước mong muốn những giá trị tốt đẹp của gia đình Nhà giáo Nguyễn Trọng Hoàng tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng không chỉ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng mà trong cả nước để góp phần xây dựng xã hội ngày càng bền vững, tốt đẹp hơn.
Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Hoàng sinh năm 1924, tham gia kháng chiến năm 1945 ở Chiến khu Việt Bắc. Ông từng giữ cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, sau đó là Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng.
Suốt cuộc đời làm việc, Nhà giáo Nguyễn Trọng Hoàng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì và nhiều bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành, đoàn thể; nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân./.