An sinh

Chưa tận dụng hiệu quả thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”

TP. Hồ Chí Minh

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, tăng từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019, việc tận dụng cơ cấu dân số vàng chưa hiệu quả.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

(TTXVN) Ngày 21/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo Đại biểu dân cử với việc thực hiện chính sách pháp luật về dân số và phát triển. Hội thảo nhằm cung cấp thông tin cho đại biểu dân cử, các nhà hoạch định chính sách về thực trạng dân số Việt Nam; việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số trong bối cảnh chuyển trọng tâm công tác dân số từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển tại một số địa phương.

Theo ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, thời gian qua, Việt Nam đạt được nhiều thành quả đáng kể trong công tác dân số. Cụ thể, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên đáng kể, từ năm 1989 đến năm 2021, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng từ 65,2 tuổi lên 73,7, chất lượng dân số được cải thiện. Việt Nam khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) đề ra và tiếp tục duy trì đến nay…

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề dân số trong tình hình mới và cần có động thái về chính sách phù hợp để điều chỉnh. Trong đó, phải kể đến mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và luôn ở mức cao, từ 109,8 bé trai/100 bé gái năm 2006 lên 113,8 bé trai/100 bé gái năm 2021; cả nước có 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, chủ yếu ở tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc (42% dân số); 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía Nam (39% dân số).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, chỉ số già hóa dân số tăng từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019, việc tận dụng thời kỳ cơ cấu dân số vàng chưa thực sự hiệu quả. Tỷ lệ tầm soát, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh còn thấp. Mức chết trẻ em còn chênh lệch giữa các vùng, trong đó Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi cao nhất.

Bộ máy làm công tác dân số tại địa phương thường xuyên có sự thay đổi, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này. Mặt khác, đại dịch COVID-19 bùng phát tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi lĩnh vực, trong đó, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác dân số nói riêng.

Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, quá trình già hóa dân số của Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 12,8% dân số, tương đương 12,6 triệu người vào 2021. Dự kiến con số này tăng lên 20% vào năm 2036. Điều đó có nghĩa là quá trình chuyển đổi từ dân số “già hóa” sang dân số "già" sẽ xảy ra chỉ trong vòng 20 năm tới.

Già hóa dân số không chỉ do tỷ lệ tử vong giảm và tuổi thọ được nâng cao, phần lớn do mức sinh giảm. Già hóa dân số gây ra thách thức trong việc cung cấp bảo trợ xã hội, đặc biệt là y tế và chăm sóc người cao tuổi. Chúng ta cần lưu ý, già hóa dân số mang đến nhiều cơ hội như phát triển ngành kinh doanh dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Ngoài ra, nếu người cao tuổi được xem như là hợp phần quan trọng của nguồn nhân lực quốc gia, tiềm năng của họ cần được khai phá với góc độ là nguồn lao động.

Đại diện UNFPA cũng cho rằng, Việt Nam đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục trong 20 năm qua. Tuy nhiên, còn tồn tại sự chênh lệch và bất bình đẳng đối với khả năng tiếp cận, sử dụng dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong nhóm dân số dễ bị tổn thương, bao gồm dân tộc thiểu số, lao động di cư, thanh niên, người sống ở vùng sâu, vùng xa.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Dẫn chứng khảo sát các mục tiêu phát triển bền vững do Tổng cục Thống kê phối hợp với UNFPA và UNICEF thực hiện năm 2021, bà Naomi Kitahara cho biết, chỉ có 72,2% phụ nữ đã kết hôn hài lòng với các biện pháp tránh thai hiện đại, tỷ lệ này thậm chí còn giảm xuống 50,3% đối với phụ nữ chưa kết hôn. Vấn đề này dường như nghiêm trọng hơn ở người trẻ tuổi, khi nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình của họ chưa được đáp ứng, ước tính cao gấp 4 lần so với nhóm phụ nữ đã kết hôn.

“Điều này cho thấy cần phải đầu tư hơn nữa để đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp tránh thai hiện đại cũng như cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục có chất lượng, đặc biệt là cho thanh thiếu niên Việt Nam”, bà Naomi Kitahara khuyến nghị.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đề xuất một số chính sách nhằm thực hiện chính sách, pháp luật về dân số trong bối cảnh chuyển trọng tâm công tác dân số từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển tại một số địa phương. Các đại biểu đề xuất duy trì vững chắc mức sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con trong phạm vi cả nước nhằm ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI. Khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng. Đồng thời, quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, bảo đảm thực hiện quyền con người trong triển khai chính sách dân số.

Nhiều đại biểu cho rằng, cần có quy định biện pháp can thiệp vào nguyên nhân gốc rễ là sự ưa thích sinh con trai, quan niệm mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên; hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Qua đó, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh để đến năm 2030 tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên. Cùng với đó là tiếp tục tăng cường bình đẳng giới, có biện pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống bạo lực giới và các thực hành có hại cho phụ nữ, trẻ em gái…/.

H.Chung

Xem thêm