Chia sẻ kinh nghiệm về thực trạng nguồn nhân lực, đào tạo nghề du lịch Thành phố Hồ Chí Minh
Trước dịch COVID-19, thành phố có hơn 160.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch và khoảng 1 triệu lao động gián tiếp trong các ngành dịch vụ hỗ trợ.
(TTXVN) Ngày 20/12, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức tọa đàm "Hướng dẫn viên du lịch: Những điều chưa kể". Đây là dịp để nhiều doanh nghiệp, hướng dẫn viên chia sẻ về thực trạng nguồn nhân lực cũng như hoạt động của cơ sở đào tạo nghề du lịch trên địa bàn.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, đóng góp vào GDP của cả nước với hơn 50% lượng du khách quốc tế hàng năm. Thống kê tại thời điểm trước dịch COVID-19, trên địa bàn thành phố có hơn 160.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch và khoảng 1 triệu lao động gián tiếp trong các ngành dịch vụ hỗ trợ. Đến nay, số lượng thẻ được cấp cho hướng dẫn viên du lịch là khoảng 7.272 thẻ.
Liên quan đến phát triển nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch, ông Trần Ngọc Đông Quân, Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, gần 3 năm qua, trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19, ngành du lịch cả nước cũng như Thành phố Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó lực lượng hướng dẫn viên du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức.
Vì vậy, hậu COVID-19, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai đa dạng chương trình bồi dưỡng, đào tạo hướng dẫn viên du lịch; mở các lớp nâng cao trình độ ngoại ngữ (tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha...) nhằm tăng cường kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.
Vừa là hướng dẫn viên du lịch có kinh nghiệm, vừa là người tham gia đào tạo, quản lý trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Lửa Việt cho rằng, hướng dẫn viên du lịch là nghề khá khó và vất vả nhưng được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, học hỏi nhiều điều trong cuộc sống.
Theo anh Lê Vũ Thành (hướng dẫn viên nội địa chuyên nghiệp, Công ty Lữ hành Saigontourist), Luật Du lịch có hiệu lực năm 2018 đã tạo điều kiện cho nguồn nhân lực du lịch phát huy được chuyên môn, kỹ năng, thế mạnh... Hướng dẫn viên du lịch nội địa có thuận lợi là ngôn ngữ nhưng cách truyền đạt để phù hợp với từng nhóm đối tượng khách du lịch không phải dễ dàng. Để chinh phục mọi du khách, hướng dẫn viên du lịch cần đặt chữ "tâm" vào nghề.
Tại tọa đàm, các hướng dẫn viên du lịch cũng cho rằng, nhiều du khách khi tham gia hành trình tuyến tour đều xem hướng dẫn viên là "đại sứ" du lịch của những điểm đến. Vì vậy, hướng dẫn viên du lịch chính là người quảng bá, tiếp thị điểm đến; đồng thời hỗ trợ du khách trong toàn bộ hành trình khám phá và trải nghiệm./.