Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm là một di sản văn hóa cần phải được bảo vệ khẩn cấp. Việc UNESCO vinh danh gốm Chăm không chỉ tôn vinh giá trị một nghề truyền thống mà còn khẳng định giá trị văn hóa của cộng đồng.
TTXVN - Chiều 16/6, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm.
Hoạt động này được tổ chức trong khuôn khổ chương trình đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đánh giá cao nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm, làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á. Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm là một di sản văn hóa cần phải được bảo vệ khẩn cấp không chỉ là tôn vinh giá trị một nghề truyền thống mà còn khẳng định giá trị văn hóa của cộng đồng, nỗ lực chung tay góp sức để bảo tồn, lưu giữ một nghệ thuật độc đáo này.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, trước những thách thức trong xu thế hội nhập và kinh tế thị trường hiện nay, làm sao để bảo tồn nghề gốm truyền thống, phát huy được giá trị của gốm mới là vấn đề quan trọng. Điều đó đòi hỏi các cấp, ngành của tỉnh Ninh Thuận phải chú trọng triển khai các giải pháp hữu hiệu để đầu tư cho nghề gốm phát triển, người làm gốm sống được nhờ gốm.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, diễn giả đã nêu bật giá trị của gốm truyền thống Chăm Bàu Trúc cũng như những bâng khuâng, trăn trở để gốm truyền thống được bảo vệ, đầu tư thỏa đáng để phát triển đi lên trước bối cảnh tác động của xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xu hướng thị trường hiện đại…
Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, nghề làm gốm truyền thống của người Chăm có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào. Sản phẩm gốm Chăm không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và tín ngưỡng của cộng đồng. Toàn bộ quy trình làm gốm toát lên giá trị nghệ thuật đặc trưng, trải qua bao thăng trầm, gốm Chăm vẫn tồn tại với thời gian.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ghi nhận và đánh giá cao chất lượng tham luận của các đại biểu; đồng thời mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân và cộng đồng nghệ nhân tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy Nghệ thuật làm gốm của người Chăm để gốm Chăm sớm bước qua giai đoạn bảo vệ khẩn cấp, tiến tới phát triển ổn định. Qua đó, triển khai hiệu quả các chương trình phát triển nghệ thuật gốm Bàu Trúc theo hướng bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân làng nghề gốm.
Gốm Chăm được làm ra nhờ sự khéo léo, uyển chuyển, mềm mại của đôi tay và cơ thể, của sự sáng tạo cá nhân người phụ nữ Chăm. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật độc bản mang dấu ấn của từng nghệ nhân. Người thợ không dùng bàn xoay mà di chuyển quanh khối nguyên liệu để tạo hình. Gốm không tráng men và được nung ở ngoài trời bằng củi và rơm.
Tri thức và kỹ năng nghề được trao truyền cho các thế hệ trong gia đình thông qua thực hành, mẹ truyền con gái nối. Nghề gốm đã tạo cơ hội cho người phụ nữ Chăm giao lưu, tương tác trong lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội và giáo dục nghề nghiệp cho con cái, nâng cao vai trò của họ trong xã hội.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, cách đây 5 năm, tại Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm”. Các học giả trong và ngoài nước tiếp cận nghệ thuật làm gốm của người Chăm từ nhiều góc độ khác nhau như sử học, khảo cổ học, nhân học, văn hóa học, mỹ thuật học. Kết quả của Hội thảo này đã góp phần hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO xem xét ghi danh gốm Chăm là di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp.
Theo đó, đúng 16 giờ 12 phút, ngày 29/11/2022 giờ địa phương (22 giờ 12 phút giờ Hà Nội), Kỳ họp thứ 17 tại Thủ đô Rabat, Vương quốc Maroc, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO đã Quyết định ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”./.
- Từ khóa:
- UNESCO
- gốm Chăm
- rượu vang Ninh Thuận