Đến nay, Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã huy động được gần 150 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 27.670 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 3.000 trẻ mồ côi do dịch COVID -19.
Ngày 24/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu". Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu ở gần 300 điểm cầu tại 35 tỉnh, thành trong cả nước.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, sau 2 năm triển khai, Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã được toàn bộ các Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc hưởng ứng và lan tỏa rộng rãi tới các ngành, các cấp. Chương trình đã nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lan toả sâu rộng, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức và các cá nhân đồng hành cùng với tổ chức Hội. Bên cạnh đó, sự vào cuộc kịp thời, nhanh chóng và đầy quyết tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp với nhiều cách làm cụ thể, thiết thực, dựa trên thực tiễn của từng địa phương đã bước đầu mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Nhiều địa phương đã đạt tiêu chí 100% trẻ mồ côi do COVID -19 trên địa bàn có Mẹ đỡ đầu. Nhiều tỉnh, thành Hội đã thực hiện cam kết hỗ trợ đỡ đầu không chỉ con mồ côi do COVID -19 mà còn mở rộng đến đối tượng mồ côi do các nguyên nhân khác. Nhiều "Mẹ đỡ đầu" đã cam kết đỡ đầu cho các con đến khi học xong đại học. Có thể nói, hầu hết các trẻ mồ côi do COVID -19 có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước đã được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời. Việc triển khai Chương trình dù chỉ mới bắt đầu cho một hành trình dài đồng hành cùng trẻ nhưng bước đầu đã hạn chế được sự trùng lặp trong điều phối, phân bổ nguồn lực, đảm bảo các con được hỗ trợ tương đối đồng đều, tránh bỏ sót.
Hai năm qua, các cấp Hội đã chủ động quán triệt, xây dựng kế hoạch, cụ thể hoá tổ chức triển khai Chương trình; sáng tạo, linh hoạt khai thác thế mạnh của mạng xã hội (zalo, facebook, website của Hội…) để tập trung thực hiện có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng tham gia thực hiện Chương trình với nhiều hoạt động phù hợp, sát với nhu cầu của trẻ, ưu tiên tối đa điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường tình thân gia đình…
Trong quá trình thực hiện Chương trình, xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao như: Đưa nội dung thực hiện Chương trình là 1 tiêu chí trong các tiêu chí thi đua của các cấp Hội; Tổ chức Hội nghị giao chỉ tiêu cụ thể đỡ đầu cho đơn vị thực thuộc. Một số cấp ủy phân công Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy nhận hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu con mồ côi; kết nối với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức chăm sóc sức khỏe, đào tạo dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp; mô hình thu gom phế liệu để có nguồn lực hỗ trợ cho con mồ côi...
Nhiều tỉnh, thành đã phát huy được vai trò của mạng lưới câu lạc bộ hưu trí, hội đồng hương xa quê, việt kiều... kết nối hiệu quả Mẹ đỡ đầu ở xa với Mẹ đỡ đầu trực tiếp và trẻ mồ côi. Đặc biệt, từ thực tiễn triển khai Chương trình, nhiều địa phương đã và đang đề xuất nhiều gói chính sách để được hỗ trợ ngân sách, hỗ trợ/miễn học phí, mua bảo hiểm y tế... cho trẻ mồ côi nghèo có hoàn cảnh khó khăn
Đến nay, Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã huy động được gần 150 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 27.670 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 3.000 trẻ mồ côi do dịch COVID -19. Qua kết nối của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đến nay, 34 "Mẹ đỡ đầu" tại châu Âu cam kết nhận hỗ trợ, chăm sóc 56 con mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền.
Đặc biệt, từ thực tiễn triển khai Chương trình, nhiều địa phương đã và đang đề xuất nhiều gói chính sách để được hỗ trợ ngân sách, hỗ trợ miễn học phí, mua bảo hiểm y tế cho trẻ mồ côi nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Bằng tình thương yêu, sự sẻ chia của cộng đồng, xã hội, thông qua Chương trình "Mẹ đỡ đầu", cuộc đời của nhiều trẻ thiếu may mắn đã bước sang trang mới…/.