Xã hội

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên nước sinh hoạt cho người dân

Phú Thọ

Để đối phó với tình trạng khô hạn, các địa phương của tỉnh Phú Thọ bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng nguồn nước; ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho dân.

Mực nước sông Đà đoạn cầu Trung Hà xuống thấp khiến hoạt động giao thông vận tải đường thủy tê liệt nhiều ngày. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

TTXVN - Những ngày gần đây, địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa một số nơi, tuy nhiên lượng mưa phân bố không đều, cục bộ; nhiều vùng không có mưa hoặc mưa nhỏ nên lượng nước về những hồ, đập không đáng kể. Mực nước tại các sông, hồ, đập trên địa bàn đang xuống rất thấp, có những hồ đập mực nước xuống dưới xả. Trước thực trạng trên, tỉnh Phú Thọ đang triển khai cấp bách các giải pháp để ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.

* Có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nắng nóng kéo dài khiến mực nước trên sông Thao, sông Chảy, sông Đà tiếp tục ở mức thấp; các hồ chứa thủy lợi, các đập dâng đã cạn nước, ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, năm 2023, số ngày nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn. Đến thời đầu tháng 6, hầu hết các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh có dung tích từ 500.000 m3 trở lên, lượng nước trữ chỉ đạt trung bình khoảng 40-50% dung tích thiết kế.

Các hồ có dung tích từ 500.000m3 trở lên như hồ Phượng Mao, hồ Xuân Sơn, hồ Suối Cái... đều thấp hơn so với tràn từ gần 1m đến 10m. Các hồ vừa, hồ nhỏ do phục vụ nước tưới từ vụ Chiêm đã cạn kiệt, đồng thời do thời tiết nắng hạn không có mưa nên tại nhiều hồ không còn đủ nước cho vụ Mùa.

Mực nước sông Đà xuống thấp kỷ lục khiến nhiều hộ nuôi cá lồng trên địa bàn xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ gặp rất nhiều khó khăn. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Theo rà soát của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ, tại thời điểm này, toàn tỉnh có gần 3.564 ha khả năng thiếu nước, trong đó trên 1.460ha có khả năng khó giải quyết do không có nguồn cấp. Các địa phương có diện tích bị hạn chế khó giải quyết là Đoan Hùng gần 600ha, Cẩm Khê gần 326ha, Yên Lập gần 297ha, Tân Sơn gần 257ha…

Ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết, để đối phó với tình trạng khô hạn, thiếu nước, Sở sẽ chỉ đạo các địa phương bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng nguồn nước; những vùng khó khăn về nước cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang rau màu và các loại cây trồng có khả năng thích nghi với điều kiện hạn hán, thiếu nước. Trước hết, các địa phương ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho dân, sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu...

Sở chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy nông trên địa bàn vận hành hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, tiết kiệm nước; kiểm tra, đánh giá nguồn nước dự kiến lưu trữ tại các công trình thủy lợi, có kế hoạch vận hành dự án đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó, các đơn vị tập trung nạo vét kênh mương, cửa khẩu các trạm bơm; tu sửa bờ vùng, bờ thửa tránh rò rỉ, mất nước; quản lý sử dụng hợp lý nguồn nước, sửa chữa, vận hành hệ thống công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp để cấp nước phục vụ sản xuất. Các đơn vị chủ động, linh hoạt trong tổ chức lấy nước khi điều kiện nguồn nước có nguy cơ thiếu hụt thời gian tới; đồng thời lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến, kéo dài đường ống dẫn nước, nạo vét, khơi thông các tuyến kênh, cửa lấy nước, cửa khẩu, bảo đảm thông thoáng dòng chảy.

* Ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt

Theo các đơn vị cấp nước sạch trên địa Phú Thọ, mực nước trên các sông xuống mức rất thấp, bãi bồi nổi lên lấp kín dòng chảy dẫn nước về miệng giếng thu của các trạm bơm đã gây khó khăn cho việc đưa nước vào sản xuất, phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Hiện nay, Công ty đã huy động máy móc, thiết bị nạo vét bùn, khơi dòng dẫn nước vào miệng giếng, nối thêm họng hút có độ sâu, xa hơn để lấy nước phục vụ sinh hoạt nhân dân.

Để có nước sạch phục vụ cho gần 20 nghìn hộ dân của huyện Thanh Thủy và Tam Nông, Xí nghiệp cấp nước Thanh Thủy phải thuê máy xúc mở luồng dẫn nước vào trạm bơm. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Trước thực trạng này, các đơn vị cung cấp nước sạch, các địa phương, đơn vị liên quan ở tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để ứng phó khi thiếu nước sinh hoạt. Trước mắt, các đơn vị tập trung kiểm kê, đánh giá nguồn nước; xác định vùng có nguy cơ hạn hán, thiếu nước để cảnh báo cho nhân dân. Tại khu vực thường xuyên thiếu nước, các đơn vị sẽ thực hiện ngay các biện pháp tích trữ nước, giải pháp nâng cấp, mở rộng tuyến ống tại các công trình cấp nước tập trung. Trường hợp cấp bách, không có nguồn cấp nước cho sinh hoạt, các đơn vị cấp nước sẽ sử dụng phương tiện lưu động như xe cứu hỏa, xe chuyên chở nước cung cấp đến trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, từng cụm dân cư, hộ gia đình

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các công trình thủy lợi trên địa bàn, có kế hoạch vận hành từng công trình, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Trước hết, các đơn vị, địa phương ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.

Các sở, ngành triển khai biện pháp cần thiết để trữ nước, nâng cấp, mở rộng tuyến ống cấp nước tại các công trình cấp nước tập trung; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình để sớm bàn giao đưa vào sử dụng. Các đơn vị tập trung đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; khẩn trương hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp một số trạm bơm ven sông, khắc phục tình trạng mực nước sông xuống thấp. Trước mắt, các đơn vị triển khai các giải pháp lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến, kéo dài đường ống dẫn nước, nạo vét, khơi thông các tuyến kênh, cửa lấy nước, bảo đảm thông thoáng dòng chảy… để kịp thời phục vụ sản xuất, sinh hoạt tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước.

Bên cạnh đó, các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo phù hợp với điều kiện nguồn nước, khả năng vận hành lấy nước của công trình thủy lợi và lịch thời vụ thực tế; không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng núi.

Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, các địa phương kịp thời thông tin, hướng dẫn điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; rà soát diện tích khó khăn về cấp nước để có phương án bảo đảm cấp nước hoặc chuyển đổi cây trồng phù hợp, nhất là tại khu vực không chủ động được nguồn nước, thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước; tăng cường ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Đồng thời, các địa phương, đơn vị tăng cường công tác truyền thông về tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước tới các khu dân cư và người dân để chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước; từ đó nâng cao nhận thức trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước…/.


PV

Tin liên quan

Xem thêm