Chính phủ hành động

Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, Ngân hàng được coi là "huyết mạch" của nền kinh tế. Ngành Ngân hàng chuyển đổi số nhanh sẽ thúc đẩy cả nước chuyển đổi số nhanh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

TTXVN - Sáng 18/5, phát biểu tại Hội nghị chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023 và Hội thảo Ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, thể hiện quyết tâm của ngành Ngân hàng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Theo Phó Thủ tướng, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngành Ngân hàng chuyển đổi số nhanh sẽ thúc đẩy cả nước chuyển đổi số nhanh, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đặt ra trong năm 2023 là "năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới", qua đó thực hiện tốt quan điểm phát triển đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của Đảng là: "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số".

Đánh giá cao việc ngành Ngân hàng lựa chọn thông điệp chuyển đổi số năm nay là "Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số", Phó Thủ tướng cho biết, đây là lần thứ 2 tham dự sự kiện chuyển đổi số của ngành ngân hàng.

"Qua nghiên cứu và tìm hiểu về các sản phẩm, dịch vụ tiện ích ngân hàng, tôi thật sự ấn tượng về những thành quả mà ngành Ngân hàng đã đạt được. Chỉ trong thời gian chưa đến một năm, từ tháng 8/2022 đến nay, các đồng chí đã có thêm rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên nền tảng chuyển đổi số", Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng dẫn ra những minh chứng thuyết phục như tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đạt 74,63%. Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, thanh toán mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%. Nhiều chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số của ngành. Nhiều dịch vụ ngân hàng có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, có kết quả ngay.

Ngành Ngân hàng cũng đã và đang tích cực triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ để ứng dụng dữ liệu dân cư trong các hoạt động nghiệp vụ với nhiều sản phẩm - dịch vụ thiết thực, phục vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Đến tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tăng hơn 7 triệu thông tin so với tháng 3/2023), trong đó đã có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt 83,28%). Hai cơ quan này phấn đấu đến tháng 6/2023, hoàn thành xác thực 51 triệu thông tin tín dụng khách hàng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng mục tiêu này sẽ hoàn thành đúng thời hạn; đề nghị Bộ Công an cùng các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham khảo để thúc đẩy triển khai hiệu quả Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06).

"Triển khai thành công chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích, mà trước tiên là đem lại thuận lợi cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng thêm giá trị, tiết kiệm chi phí xã hội; góp phần công khai, minh bạch trong thực thi các thủ tục hành chính... Đây là điều rất ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày công nghệ chuyển đổi số của các ngân hàng tại sự kiện. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Phó Thủ tướng cho biết, theo báo cáo đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021, Ngân hàng Nhà nước được xếp vị trí thứ 1 về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin mạng, thứ 2 về chỉ số thể chế số và xếp thứ 4 về chỉ số hoạt động chuyển đổi số. Qua đó, đóng góp quan trọng trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, mà Đề án 06 là một trong những Đề án trọng tâm để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Nhấn mạnh chuyển đổi số cần chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động, triển khai rộng khắp nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, làm thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí, Phó Thủ tướng chỉ rõ, chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực. Toàn ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số, cùng với các giải pháp khác để tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất huy động, qua đó có dư địa để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận vốn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để xây dựng các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng. Trong đó, tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Giao dịch điện tử...; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng..., các thông tư hướng dẫn triển khai nghiệp vụ.

Lưu ý công tác chuyển đổi số phải được thực hiện, thúc đẩy một cách tổng thể để đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng để làm hạt nhân và theo kịp được nhu cầu phát triển của các hệ thống vệ tinh là các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác và chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp...

Các bộ, ngành tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy kết nối, trao đổi dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực để phát triển hệ sinh thái số các dịch vụ ngân hàng và ngoài ngân hàng, mang lại giá trị mới và lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Cho rằng, xu hướng toàn cầu hóa, chuyển đổi số cũng sẽ đi liền với rủi ro về tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng với các thủ đoạn tinh vi, diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ rõ, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng cần được quan tâm chú trọng. Cần có sự cân bằng hợp lý giữa đầu tư phát triển sản phẩm với đầu tư cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin; giữa trải nghiệm, thuận tiện khách hàng với bảo mật dữ liệu, bảo vệ khách hàng khi giao dịch trên kênh số.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân, doanh nghiệp, để có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách thuận tiện, an toàn và phòng tránh rủi ro bị tội phạm lợi dụng, lừa đảo, đánh cắp thông tin./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm