Việc xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện luôn được ngành Du lịch Thủ đô coi trọng.
TTXVN - Hà Nội vốn được coi là điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách. Đó không chỉ là nhận định của các cơ quan, các chuyên gia, du khách, mà ngay cả các tạp chí nước ngoài cũng khẳng định. Tuy vậy, một vài vụ việc xảy ra gần đây liên quan đến “chặt chém” du khách đã ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh mến khách mà bấy lâu ngành Du lịch Thủ đô luôn gìn giữ. Dù cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý kịp thời, nhưng để giữ được hình ảnh du lịch Thủ đô như vốn có là trách nhiệm không của riêng ai, trong đó ý thức của cộng đồng rất quan trọng.
Ngày 15/3 vừa qua, mạng xã hội lan truyền clip về một phụ nữ bán hàng rong trên phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ) bán túi táo nhỏ cho hai du khách nước ngoài với giá 200 nghìn đồng. Nhận thấy số lượng táo ít nên hai du khách này không đồng ý, yêu cầu người bán hàng trả lại tiền thừa. Chị này không trả, định bỏ đi, rồi tiếp tục đưa thêm xoài, ổi cho khách nhưng bị từ chối. Khi hai bên giằng co, một nam bảo vệ gần đó ra khuyên người bán hàng trả lại tiền cho khách. Vụ việc được UBND phường Bưởi xử lý, mời người bán hàng rong lên làm việc để làm rõ hành vi cũng như nhắc nhở, tuyên truyền về văn hóa ứng xử; đồng thời xử phạt hành chính về lỗi bán hàng rong và không niêm yết giá.
Khi vụ việc chưa lắng xuống thì ngày 24/3, mạng xã hội tiếp tục lan truyền hình ảnh một người bán bánh rán dạo ở hồ Hoàn Kiếm, bán 3 chiếc cho hai du khách nước ngoài với giá 50 nghìn đồng (trước đó còn định bán 3 chiếc với giá 100 đồng). Khi nắm bắt được vụ việc, Công an quận Hoàn Kiếm đã lập hồ sơ xử lý người phụ nữ bán hàng rong này với lỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và lỗi vi phạm về trật tự đô thị với mức phạt 200 nghìn đồng.
Thực tế, đây không phải là trường hợp duy nhất. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ việc khác liên quan đến “chặt chém” du khách như: vụ 2 khách du lịch người Nam Phi đi xích lô dạo quanh phố cổ với giá 300 nghìn đồng bị "chặt chém" 600 nghìn đồng; quán vỉa hè bán 2 ly trà tắc, 1 đĩa hướng dương, 1 túi hoa quả gọt (với chỉ 1/2 quả xoài, 1/2 quả dưa leo và 1 củ đậu) cho du khách với giá 250 nghìn đồng; khách đi taxi từ số 2 Lý Thái Tổ về 54 Thợ Nhuộm bị đòi giá 150 nghìn đồng, lái xe taxi dừng ở cửa hàng số 2 Triệu Quốc Đạt rồi đòi khách thêm 100 nghìn đồng. Ngoài ra, còn vụ việc khách chỉ sử dụng 2 ly nước hoa quả, 1 ly ca cao, 2 gói hạt hướng dương nhưng bị đòi giá 407 nghìn đồng; trông giữ xe máy vé bằng bìa catton, du khách thỏa thuận giá 10 nghìn đồng, đến khi ra về bị người trông xe ép trả 15 nghìn đồng với thái độ và lời lẽ xúc phạm...
Hà Nội là trung tâm du lịch của cả nước, thu hút hàng chục triệu lượt khách mỗi năm. Năm 2024, thành phố phấn đấu đón 25,6 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế. Cùng với những giải pháp thu hút khách du lịch, nâng cao chất lượng điểm đến, việc xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện luôn được ngành Du lịch Thủ đô coi trọng. Hằng năm, ngành Du lịch Hà Nội tổ chức hàng chục buổi tập huấn về du lịch cộng đồng cho người dân nhằm nâng cao kỹ năng phục vụ khách du lịch. Các ngành liên quan cùng các địa phương, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm luôn đề cao công tác phục vụ khách, ứng xử văn minh trong du lịch.
Thế nhưng, trái với những nỗ lực của các cơ quan chức năng, nhiều cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, người phục vụ du khách như lái xe taxi, xích lô, bán hàng rong… lại không ý thức được vấn đề văn minh trong ứng xử du lịch. Họ coi khách du lịch như một đối tượng để kiếm tiền, lợi dụng sự bất đồng ngôn ngữ (với khách nước ngoài), không am hiểu về phong tục tập quán, không nắm được giá cả thị trường để đòi giá quá cao so với mặt bằng chung. Nhiều vụ việc đã được xử lý, nhưng những người này vẫn cố tình chèo kéo, “chặt chém”, thậm chí lừa đảo, cướp giật, móc túi… Dạo quanh hồ Gươm, khu vực phố cổ Hà Nội hay nhiều điểm du lịch khác trên địa bàn thành phố, có thể dễ dàng bắt gặp những người bán hàng rong, những xích lô chèo kéo khách, tạo nên những hình ảnh phản cảm.
Một món lợi nhỏ nhưng tác hại rất lớn. Không thiếu những trường hợp khách bị chèo kéo mua hàng đã tỏ thái độ khó chịu. Điều này ảnh hưởng đến cảm xúc của du khách trong chuyến đi và tạo ấn tượng không tốt về hình ảnh du lịch Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Hầu hết những người bán hàng rong và một bộ phận lái xe taxi, xích lô gây nên những vụ việc “chặt chém” khách vừa qua là những người ngoại tỉnh đến Hà Nội mưu sinh, nhưng đây không phải lý do để bao biện cho những hành động phản cảm trên. Quan trọng hơn, những người bán hàng cần có ý thức ứng xử văn minh, bởi họ cũng chính là một phần hình ảnh của Thủ đô nghìn năm văn hiến trong mắt du khách. Một hành động không tốt, dù rất nhỏ cũng ảnh hưởng đến cách nhìn của khách du lịch về Hà Nội.
Người Hà Nội vốn có truyền thống thân thiện, mến khách. Trong thực tế, không thiếu những trường hợp người dân nhiệt tình giúp đỡ khách du lịch khi khách bị sự cố lúc tham quan, đơn giản là việc hướng dẫn chỉ đường, hỗ trợ khách tìm các dịch vụ. Những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Thủ đô đều có sự ứng xử, phục vụ khách chuyên nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà chuyên trang du lịch trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á Tripzilla, có trụ sở ở Singapore, gợi ý 5 điểm đến an toàn nhất khu vực dành cho phụ nữ đi du lịch một mình, trong đó Hà Nội - đại diện duy nhất của Việt Nam, được nhắc đến đầu tiên. Năm 2023, Hà Nội được vinh danh với nhiều giải thưởng quốc tế: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày; Điểm đến thành phố Gofl tốt nhất thế giới năm 2023; Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023; Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023…
Để đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, ngăn chặn, phòng tránh tình trạng chèo kéo bán hàng rong, đeo bám, ăn xin, khách du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: Đối với khu vực hồ Hoàn Kiếm, Phố cổ Hà Nội và một số trọng điểm du lịch khác, Sở chủ trì, phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch, phòng ngừa, giữ gìn môi trường du lịch của Thủ đô, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách.
Sở tăng cường tuyên truyền, vận động việc phòng, tránh các hành vi vi phạm về chèo kéo, móc túi, ăn trộm, bán hàng rong, bắt chẹt khách du lịch quanh các khu vực, điểm đến đông khách. Lực lượng chức năng tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm có liên quan đến các hành vi vi phạm về an ninh, trật tự an toàn xã hội, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và cảnh quan, môi trường du lịch trên địa bàn.
Ngành Du lịch Thủ đô cũng phối hợp với cơ quan Công an rà soát, giám sát, tiến tới lập hồ sơ vi phạm và xử phạt vi phạm các đối tượng có hành vi chèo kéo, lừa đảo, móc túi, ăn trộm, bán hàng rong, bắt chẹt khách du lịch quanh khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm và các điểm khác. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội đảm bảo duy trì hệ thống thông tin - hỗ trợ khách du lịch, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của khách du lịch tại các quầy thông tin, Tổng đài tư vấn và giải đáp thông tin du lịch 1800556896 thông suốt 24/7 để phục vụ du khách đến với Thủ đô Hà Nội.
Mỗi năm, tổng thu từ khách du lịch tại Hà Nội đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, năm 2024 phấn đấu đấu đạt khoảng 103,74 nghìn tỷ đồng, đóng góp không nhỏ vào GRDP của thành phố. Hình ảnh du lịch Hà Nội ngày càng được củng cố và nâng cao ở trong nước và quốc tế. Bởi vậy, cùng với những giải pháp nâng cao chất lượng điểm đến, việc xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, người dân thân thiện, mến khách, cần được quan tâm để Hà Nội thực sự là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”./.
- Từ khóa:
- Thủ đô
- Hà Nội
- thân thiện
- mến khách