Để thu hút những thị trường hấp dẫn, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ đẩy mạnh việc quảng bá và xúc tiến các sản phẩm đặc sắc của địa phương; tăng cường kết nối các chuyến bay thẳng giữa các địa điểm và Huế...
TTXVN - Sau hơn một năm “mở cửa” trở lại, du lịch quốc tế tại Thừa Thiên - Huế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn kỳ vọng. Tuy nhiên, những cơ hội tạo nên sự bứt phá đang mở ra khi tỉnh đã có kế hoạch và sẵn sàng đón những dòng khách mới, tiềm năng trong thời gian tới.
* Bước đầu phục hồi
Việt Nam “mở cửa” hoàn toàn các hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022. Đây là dấu mốc quan trọng đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch tại Thừa Thiên - Huế; đồng thời, đem đến hy vọng phục hồi tích cực cho ngành “công nghiệp không khói” của địa phương.
Thực tế, sau hơn 1 năm, du lịch Thừa Thiên - Huế đã phục hồi từ con “số âm”. Hơn 2 triệu lượt khách đã đến tham quan địa phương trong năm 2022, tăng gần 2 lần so với năm 2021. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 4.500 tỷ đồng, vượt 12,5% kế hoạch. Nhờ quyết định tổ chức Festival bốn mùa thay cho tập trung các lễ hội trong một tuần lễ Festival Huế như trước, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn đã thu hút được nhiều du khách. Đồng thời, sự “bắt tay” hiệu quả giữa các hãng lữ hành, hàng không… đã phần nào giúp du lịch Cố đô Huế có thêm sinh khí và sôi động hơn sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thị trường khách nội địa đến Thừa Thiên - Huế đã phục hồi đáng kể với nhiều đợt cao điểm trong năm 2022. Các địa điểm tham quan, khu nghỉ dưỡng của thành phố Huế đều đông khách đến trải nghiệm, lưu trú và giải trí.
Du khách Nguyễn Tú Uyên (đến từ Hà Nội) chia sẻ, sau 7 năm quay trở lại, chị rất ngạc nhiên về những thay đổi của du lịch Thừa Thiên - Huế. Những con đường xung quanh Đại Nội Huế không còn cảnh bán hàng rong, chèo kéo. Đường xá sạch sẽ, gọn gàng. Con người rất thân thiện, mến khách. Nếu có cơ hội, chị sẽ quay lại để tiếp tục khám phá nhiều hơn về vùng đất cổ kính này.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Đinh Mạnh Thắng phân tích, ngoài vấn đề khách quan về visa, tỉnh có một hạn chế lớn trong việc thu hút khách quốc tế quay trở lại sau dịch. Đó là tần suất chuyến bay thấp, thiếu chuyến bay thương mại chất lượng. Thời điểm này là mốc quan trọng của ngành Du lịch địa phương, đòi hỏi sự tái cơ cấu thị trường khách du lịch. Những thị trường gần, nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hoặc chiến tranh là những thị phần cần được lưu tâm, điển hình như Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á khác.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phúc, Thái Lan, Malaysia, Hoa Kỳ và các nước châu Âu đang là những thị trường khách du lịch hàng đầu tại Thừa Thiên - Huế hiện nay. Tuy là thị trường mới nhưng khách Trung Quốc, Ấn Độ có thể đem đến triển vọng cho ngành Du lịch địa phương trong thời gian tới nếu được khai thác, quảng bá tốt. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ địa phương cần lưu ý sự dịch chuyển về thị trường khách này để có dòng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, phù hợp.
* Kỳ vọng vào những thị trường mới, tiềm năng
Năm 2023, ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế phấn đấu đón khoảng 3 - 3,5 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế chiếm 20 - 30%. Tỉnh đặt mục tiêu đẩy mạnh khai thác nguồn khách nội địa đồng thời phục hồi các thị trường khách quốc tế. Thực tế cho thấy, dù đã bước sang năm thứ 2 du lịch mở cửa trở lại hoàn toàn, lượng khách quốc tế đến Thừa Thiên - Huế vẫn chưa cao.
Các thị trường mới châu Á đã được nhắm đến; trong đó, Trung Quốc là nguồn khách quốc tế quan trọng, chiếm đến 1/3 thị phần khách nước ngoài đến Việt Nam hàng năm (trước khi có dịch). Tuy nhiên, Thừa Thiên - Huế lại không phải là địa điểm chính của dòng khách du lịch này vì hạ tầng chưa đủ phục vụ các đoàn khách đông. Mặt khác, tỉnh cũng không phải là “thiên đường” mua sắm để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, mua sắm của phần đa khách Trung Quốc.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phúc, một số chuyên gia dự đoán, nhu cầu và thị hiếu của du khách quốc tế, bao gồm Trung Quốc sẽ có sự thay đổi sau dịch bệnh. Phần lớn du khách tri thức, trẻ người Trung Quốc có xu hướng đi du lịch, khám phá theo nhóm nhỏ hoặc gia đình để tự tìm hiểu điểm đến. Vì vậy, quyết định chính thức mở cửa biên giới của Trung Quốc vừa qua là tín hiệu khả quan đối với ngành Du lịch Cố đô Huế.
Thừa Thiên - Huế đã đã sẵn sàng các kế hoạch để đón dòng khách Trung Quốc sắp tới. Thời gian qua, nhiều hướng dẫn viên tiếng Hoa đã quay trở lại phục vụ khách du lịch Đài Loan (Trung Quốc) hay khách đến từ Malaysia, Singapore nói tiếng Hoa. Vì vậy, địa phương sẽ không quá khó khăn và bỡ ngỡ khi đón khách Trung Quốc.
Ấn Độ - quốc gia tỷ dân, có dân số đứng thứ 2 thế giới cũng là một thị trường khách du lịch tiềm năng của tỉnh trong thời gian tới do đây là đất nước có sự tương đồng lớn với địa phương về văn hóa, tín ngưỡng, ẩm thực… Tuy nhiên, người dân Ấn Độ vẫn chưa biết nhiều về những điểm đến hấp dẫn xứ Huế. Nhóm du khách này có nhiều yêu cầu khắt khe đối với du lịch địa phương như: nhà hàng phục vụ, sự thuận tiện trong vận chuyển giao thông và các chuyến bay trực tiếp.
Để thu hút những thị trường hấp dẫn như Trung Quốc, Ấn Độ hay các quốc gia châu Á, tỉnh đẩy mạnh việc quảng bá và xúc tiến các sản phẩm đặc sắc của địa phương, đồng thời tăng cường kết nối các chuyến bay thẳng giữa các địa điểm và Huế...
Ông Nguyễn Văn Phúc nêu rõ, thời gian tới, tỉnh sẽ mời một số doanh nghiệp lữ hành đến từ tỉnh Chiết Giang và Hà Bắc (Trung Quốc) để kết hợp khảo sát, trao đổi, đưa ra các hình thức, sản phẩm tour, tuyến phù hợp đón dòng khách thí điểm từ hai địa phương này đến Huế. Từ đó, ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế sẽ có sự phân tích, đánh giá để điều chỉnh hợp lý.
Dự kiến vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhà ga T2 của Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài đi vào hoạt động. Tỉnh sẽ cùng một số hãng hàng không kết hợp tăng cường tần suất chuyến bay nội địa, mở thêm một số chuyến bay quốc tế theo dạng thuê chuyến định kỳ hoặc tiến đến thương mại đối với các quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Đinh Mạnh Thắng, tỉnh cần có cơ chế, chính sách cởi mở hơn để các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện hoạt động tốt hơn như điều chỉnh giá điện bằng với giá sản xuất kinh doanh; thu hút nhiều nhà đầu tư du lịch đến hỗ trợ, xây dựng sản phẩm địa phương đặc sắc, phù hợp với xu thế. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải liên kết để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, hướng đến các thị trường du lịch tiềm năng trên.
Với những kế hoạch, định hướng này, năm 2023 kỳ vọng sẽ là năm phục hồi mạnh mẽ và tạo sự bứt phá trong lĩnh vực khách quốc tế cho ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế từ những thị trường mới, tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ…/.