Khoa học

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Cần Thơ

Các nhà khoa học đề xuất những quan điểm, giải pháp nhằm phát huy lợi thế của thành phố Cần Thơ trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên nền tảng khoa học công nghệ mới và đổi mới sáng tạo...

Một hoạt động trưng bày, trình diễn công nghệ tại thành phố Cần Thơ. (Ảnh minh họa: Ánh Tuyết/TTXVN)

TTXVN - Sáng 12/5, tọa đàm khoa học với chủ đề "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ mới và đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ" đã được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cùng Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tổ chức.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Toàn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại thành phố Cần Thơ đã có những đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo ra sự tăng trưởng nhanh. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,64% so với năm 2021, đứng thứ 6 cả nước, xếp thứ 2/5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại, xuất khẩu, du lịch, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đều có tốc độ tăng trưởng cao. Sản xuất nông nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử... Dù đã được đầu tư, nâng cấp về tiềm lực, cơ sở vật chất nhưng hạ tầng kỹ thuật về khoa học công nghệ của Cần Thơ vẫn còn yếu, thiếu, chưa đồng bộ so với nhu cầu phát triển.

Tại tọa đàm, các đại biểu cùng thảo luận về thực trạng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ mới và đổi mới sáng tạo tại thành phố Cần Thơ; làm rõ những thành công, hạn chế và nguyên nhân; đặc biệt, làm rõ vai trò của Nhà nước và các bên liên quan trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong quá trình lựa chọn, thực hiện các mục tiêu phát triển địa phương dựa trên nền tảng khoa học công nghệ mới và đổi mới sáng tạo. 

Ông Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV cho rằng, Cần Thơ có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo khi là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long về khoa học - công nghệ và giáo dục, đào tạo. Đảng, Nhà có nhiều chủ trương, định hướng lớn để xây dựng và phát triển thành phố. Tuy nhiên, Cần Thơ gặp nhiều khó khăn khi cụ thể hóa những chính sách, Nghị quyết vì thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, liên kết vùng còn yếu...

Từ những khó khăn trên, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV Phan Công Khanh đề xuất các giải pháp cần làm là tạo môi trường cho nhà đầu tư, đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo; tìm thị trường mới cho sản phẩm nông nghiệp...

Đồng quan điểm này, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho rằng nên đầu tư đường giao thông, sân bay Cần Thơ để tạo đột phá, lan tỏa, kéo theo sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long; đào tạo nguồn nhân lực chiến lược cho vùng...

Tại tọa đàm, các nhà khoa học, sở, ngành cũng đề xuất những quan điểm, giải pháp nhằm phát huy lợi thế của thành phố Cần Thơ trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên nền tảng khoa học công nghệ mới và đổi mới sáng tạo...

Các đại biểu mong muốn các kiến nghị, đề xuất sẽ được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm và có những quyết sách phù hợp để phát triển thành phố Cần Thơ trong thời gian tới./.

Thu Hiền

Tin liên quan

Xem thêm