Văn hóa

Công nghiệp văn hóa - Động lực phát triển Thủ đô

Hà Nội

Những thành tựu trong xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội mang nhiều dấu ấn, lan tỏa tới nhiều địa phương về cách làm, mô hình hay, hiệu quả.


Hà Nội sở hữu một hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú và có một hệ thống thiết chế văn hóa rất đa dạng. Bên cạnh đó, Thủ đô là nơi tập trung đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân… Hà Nội cũng là địa phương có mức sống cao nhất cả nước. Tất cả những yếu tố đó là tiềm năng thuận lợi để phát triển công nghiệp văn hóa.

Những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều công việc cụ thể để phát triển công nghiệp văn hóa. Do đó, công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã có nhiều khởi sắc. Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu trong cả nước trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.


Cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là một trong hai nghị quyết chuyên đề của Thành ủy Hà Nội khóa XVII (bên cạnh nghị quyết về công tác cán bộ), đã cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô.

Nghị quyết số 09-NQ/TU nêu rất rõ mục tiêu của Hà Nội là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Hà Nội đặt ra mục tiêu đưa Thủ đô trở thành một “Thành phố sáng tạo” ở tầm vóc châu Á và “công nghiệp văn hóa” phải trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, có thể đóng góp đến 8% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố (vào năm 2030) và 10% GRDP của thành phố (đến năm 2045).

Sau hơn một năm ban hành Nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội hiện nay đang hình thành và phát triển sự đa dạng của các sản phẩm thủ công và những sản phẩm của sự sáng tạo đã có mặt ở khắp nơi trong thành phố.

Khách tham quan tháp nước Hàng Đậu. 
Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Đáng chú ý, việc chuyển đổi công năng di sản công nghiệp của nhiều khu vực nhà máy cũ, khu công nghiệp, khu vực kém phát triển tại nhiều đô thị của thành phố thành các trung tâm sáng tạo, không gian văn hóa nghệ thuật… như: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu… tạo điều kiện cho đông đảo văn nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo, doanh nghiệp, người dân Thủ đô, du khách có không gian trải nghiệm và thực hành sáng tạo.

Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Nhiều không gian sáng tạo trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Không gian văn hóa Phố sách…

Trong năm 2023, Hà Nội đã tổ chức hơn 2.000 sự kiện, hoạt động, đón khoảng 24 triệu lượt khách du lịch, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô.

Cơ cấu kinh tế Thủ đô chuyển dịch nhanh chóng theo hướng gia tăng nhanh các ngành dịch vụ lên đến 65,13%, GRDP của Thủ đô tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,7%/năm. Hà Nội đón 21 triệu lượt khách du lịch ở năm 2023, trong đó có gần 4 triệu lượt khách quốc tế (vượt kế hoạch năm).

Hà Nội năm 2024 ghi dấu ấn đặc biệt với ngành Du lịch khi đón lượng khách vượt xa kỳ vọng. Từ các lễ hội truyền thống đặc sắc, điểm đến văn hóa độc đáo, đến sự kiện quốc tế quy mô lớn, Thủ đô ngàn năm văn hiến không chỉ chinh phục du khách trong nước mà còn hấp dẫn bạn bè quốc tế. Hà Nội đang được xem là điểm đến hấp dẫn không thể bỏ lỡ trong bản đồ du lịch toàn cầu.

Kết quả này cho thấy, công nghiệp văn hóa Hà Nội đang từng bước góp phần gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế của thành phố.

Những thành tựu trong xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội mang nhiều dấu ấn, lan tỏa tới nhiều địa phương về cách làm, mô hình hay, hiệu quả.


Mặc dù Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong phát triển công nghiệp văn hóa và thực tế đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, là địa phương dẫn đầu trong cả nước về phát triển công nghiệp văn hóa nhưng so với tiềm năng và mục tiêu kì vọng, sự phát triển lĩnh vực này ở Hà Nội chưa tương xứng. Quá trình phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội đang bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập.

Trong đó, một bộ phận xã hội (trong đó có cả cán bộ quản lý) chưa nhận thức đầy đủ vai trò và tiềm năng của công nghiệp văn hóa đối với phát triển kinh tế và xã hội, dẫn đến sự thiếu quan tâm và đầu tư phù hợp.

Chính sách và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội còn phân tán, chưa có sự đồng bộ, bền vững.

Kiến trúc bên trong Trường Đại học Tổng hợp là điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của du khách khi đến với Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024. 
Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Hà Nội có nhiều di sản văn hóa phong phú, cơ sở hạ tầng phục vụ cho công nghiệp văn hóa như nhà hát, bảo tàng hiện đại, trung tâm triển lãm nhưng vẫn hạn chế về số lượng và chất lượng. Số lượng các không gian văn hóa tăng dần trong những năm gần đây nhưng đa phần còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và thiếu sự kết nối. Hà Nội đang thiếu những khu công nghiệp văn hóa, sáng tạo quy mô.

Để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội đang đầu tư vào các thiết chế văn hóa và không gian sáng tạo nhưng để có một chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quy mô và bài bản, có lẽ, đã đến lúc phải tính đến kế hoạch xây dựng khu công nghiệp văn hóa với quy mô lớn, tích hợp dịch vụ, hạ tầng hiện đại để hỗ trợ các ngành công nghiệp sáng tạo như phim ảnh, âm nhạc, nghệ thuật, thời trang.

Chính quyền thành phố cần quy hoạch các khu vực chuyên biệt cho công nghiệp sáng tạo, cung cấp ưu đãi về thuế, đất đai, cơ sở hạ tầng để thu hút doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức sáng tạo. Mô hình này đã thành công tại nhiều thành phố sáng tạo trên thế giới.

 Hà Nội có thể hợp tác với các tổ chức như UNESCO để xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo” tương tự như các thành phố nổi tiếng khác như Paris, Berlin.


Ngoài ra, Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào quá trình sáng tạo và sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Sử dụng công nghệ số để tạo ra một môi trường văn hóa nghệ thuật số phong phú, kết hợp trải nghiệm thực và ảo.

Thành phố phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm các doanh nghiệp, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và cộng đồng để thúc đẩy ý tưởng và sản phẩm văn hóa. Đồng thời có chính sách hỗ trợ tài chính (hỗ trợ vay vốn, phát triển hạ tầng) và nuôi dưỡng doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.../.

Nội dung: Phương Quỳnh (tổng hợp)

Thiết kế: Vũ Bắc

Ảnh, Video: TTXVN, Vnews

Tin liên quan

Xem thêm