Văn hóa

Ngành văn hóa cần tạo nền tảng vững chắc, mang lại kết quả thiết thực ngay từ giai đoạn đầu

Văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để phát triển, thông qua việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa, và các hoạt động kinh tế sáng tạo.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 với 430/454 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 89,77%).


Theo chương trình, đến năm 2035 cần đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể.

- Phấn đấu 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả.

- 100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện.

- Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia.

- Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.

- Hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế.

- 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Nghệ thuật.

- 100% văn nghệ sỹ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp cận, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

- Hằng năm, có từ 10 - 15 tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tầm quốc gia về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước.

- Hằng năm, có ít nhất 6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, ngành văn hóa cần tập trung vào nhiều nhiệm vụ chiến lược nhằm tạo nền tảng vững chắc và mang lại kết quả thiết thực ngay từ giai đoạn đầu. Đây không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là định hướng để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, đóng vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, ngành văn hóa cần tập trung vào nhiều nhiệm vụ chiến lược nhằm tạo nền tảng vững chắc và mang lại kết quả thiết thực ngay từ giai đoạn đầu. 
Ảnh: Thanh Tùng- TTXVN

Theo ông, trước hết, cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và chính sách về văn hóa. Hệ thống pháp lý cần được rà soát, bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các mục tiêu của chương trình. Các quy định liên quan đến quản lý, đầu tư và xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa cần được cụ thể hóa để đảm bảo tính minh bạch, đồng bộ và khả thi.

Song song với đó, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa cần được ưu tiên hàng đầu. Các thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng, trung tâm nghệ thuật và khu vực biểu diễn văn hóa dân gian cần được xây dựng, cải tạo và nâng cấp, đặc biệt ở các vùng nông thôn, miền núi và hải đảo. Cơ sở hạ tầng hiện đại không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa mà còn là nơi gắn kết cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của người dân.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là phát triển nguồn nhân lực văn hóa. Ngành văn hóa cần xây dựng các chương trình đào tạo bài bản, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, và các chuyên gia về bảo tồn, sáng tạo nghệ thuật. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của thế hệ trẻ thông qua các chương trình truyền cảm hứng, hỗ trợ nghệ thuật, và các cuộc thi sáng tạo văn hóa.

Cảnh diễn trong vở "Dưới bóng giai nhân".
Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy văn hóa cũng là một bước đi chiến lược. Các di sản văn hóa cần được số hóa và tích hợp vào các nền tảng trực tuyến để tăng cường khả năng tiếp cận và quảng bá. Công nghệ cũng có thể hỗ trợ xây dựng các sản phẩm văn hóa sáng tạo, tạo ra nguồn thu mới và góp phần đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Do đó, ngành văn hóa cần tạo điều kiện để phát huy vai trò của cộng đồng và xã hội hóa hoạt động văn hóa. Các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân cần được khuyến khích tham gia vào các dự án bảo tồn, phát triển văn hóa thông qua cơ chế khuyến khích đầu tư, miễn giảm thuế, và các chương trình hợp tác công - tư. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn giá trị văn hóa địa phương là yếu tố không thể thiếu để đảm bảo sự bền vững của chương trình.

Không gian trưng bày áo dài truyền thống ở Huế.
 Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Cuối cùng, cần tập trung xây dựng và phát triển văn hóa gắn liền với các mục tiêu kinh tế - xã hội. Văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để phát triển, thông qua việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa, và các hoạt động kinh tế sáng tạo. Đây là cách để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Với cách tiếp cận toàn diện và sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp, ngành và toàn xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 chắc chắn sẽ đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần và động lực quan trọng trong quá trình phát triển đất nước./.

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm