Xây dựng Đảng

Công tác cán bộ là cái gốc – Bài 2: Chống tiêu cực trong "dùng người"

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đề ra nhiệm vụ quan trọng là phải "ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ".

(TTXVN) Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) "Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" đề ra nhiệm vụ quan trọng là phải "ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ".

* "Dùng người như dùng gỗ"

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước.

Bác Hồ đề cao đạo đức của người cán bộ cách mạng: "Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?".

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch (VietnamPlus). (Ảnh tư liệu)

Người coi chủ nghĩa cá nhân là gốc của tình trạng suy thoái đạo đức cách mạng, là căn bệnh nguy hiểm nhất phải tập trung chữa trị từ sớm; cán bộ của Đảng phải tránh sa vào chủ nghĩa cá nhân, ví chủ nghĩa cá nhân là một thứ "vi trùng rất độc", nó là thứ "bệnh mẹ", do nó mà sinh ra các thứ "bệnh con", các chứng bệnh nguy hiểm như: bệnh quan liêu, bệnh tham lam, bệnh kiêu ngạo, bệnh lười biếng, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Cây thì phải có gốc, không có gốc thì cây héo, sông thì phải có nguồn, không có nguồn thì sông cạn. Trong mọi việc của cách mạng, của Đảng phải có người cán bộ đứng ra để thực hiện, không có cán bộ thì không thể hoàn thành.

Bác Hồ nhắc nhở: Trong phong cách làm việc, phong cách công tác, phong cách lãnh đạo của cán bộ, phải chống bệnh hẹp hòi, nghĩa là phải tuyệt đối nhằm vào lợi ích của toàn quốc, lợi ích của toàn Đảng. Nguyên nhân của bệnh có nhiều, nhưng chủ yếu là do ham danh vọng và địa vị, nên khi ở cương vị phụ trách thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì đẩy ra. Hậu quả của bệnh hẹp hòi là gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa phương, cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa bộ phận và toàn cục, cán bộ cơ quan này và cán bộ cơ quan khác, địa phương này và địa phương khác… Cán bộ mắc bệnh hẹp hòi đẻ ra nhiều thứ bệnh khác như không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi, thậm chí dìm người giỏi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta về các vấn đề cốt lõi và mang tính nguyên tắc. Trong đó, "phải đánh giá đúng cán bộ". Đánh giá cán bộ phải chú trọng đến phẩm chất đạo đức. Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, tự tâng bốc mình. Những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt. Ngược lại, ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt.

Bác Hồ dạy chúng ta: Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một thất bại. Người viết giỏi nhưng nói kém lại dùng vào những việc cần phải nói. Người nói khéo nhưng viết xoàng lại dùng vào công việc viết lách. Thành thử hai người đều không có thành tích.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Khéo dùng cán bộ là phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ. Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng cong đều tùy chỗ mà dùng được. Khéo dùng cán bộ còn có nghĩa là phải tin tưởng vào cán bộ, tạo điều kiện, cơ hội để khuyến khích họ phát huy dân chủ và tinh thần trách nhiệm của mình. Đối với cấp dưới, người lãnh đạo phải tiếp thu, lắng nghe, góp ý, phê bình. Nếu ý kiến cấp dưới không đúng, cấp trên không quở trách mà nên vui vẻ giải thích cho họ hiểu và động viên họ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác.

Bác Hồ yêu cầu phải thật sự thận trọng trong việc cất nhắc cán bộ. Người chỉ rõ: "Cất nhắc cán bộ không nên làm như giã gạo". Nghĩa là từ trước khi cất nhắc không xem xét kỹ, khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ, khi họ sai lầm thì đẩy họ xuống, chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị "nhấc lên", "thả xuống" ba lần như thế thì "hỏng cả đời".

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán thói "một người làm quan cả họ được nhờ", đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc thì đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được. Người chỉ ra thói xấu trong công tác cán bộ - ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mà ghét những người chính trực; ham dùng những người tính tình hợp với mình và không dùng những người không hợp với mình, bất kể người đó có năng lực ra sao. Đó cũng chính là mầm mống dẫn đến tình trạng bè phái, phe nhóm, chia rẽ gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng và chính quyền.

* Ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ"

Nhằm tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra mục tiêu quan trọng từ nay đến năm 2030.

Về quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, Nghị quyết số 26-NQ/TW nêu rõ: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ, trong đó có việc "ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ".

Tham nhũng trong công tác cán bộ có ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng khó khăn về bãi miễn, miễn nhiệm, từ chức hiện nay. Tham nhũng trong công tác cán bộ có những biểu hiện ra sao?

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu trực tuyến tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Văn Điệp - TTXVN)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Giang (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), nhận diện đúng biểu hiện, bản chất của tham nhũng trong công tác cán bộ sẽ góp phần ngăn chặn, khắc phục và hạn chế tình trạng này, tránh làm hư hỏng cả đội ngũ cán bộ, tha hóa tổ chức, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng.

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Công tác cán bộ là công tác đối với con người, do đó, tham nhũng trong công tác cán bộ vừa có những điểm chung của tham nhũng nói chung, vừa có những đặc thù về hành vi, về vụ lợi so với tham nhũng trong các lĩnh vực khác, nhất là so với tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế.

Tham nhũng trong các lĩnh vực khác thường là những hành vi vụ lợi vật chất, tiền bạc, được luật pháp quy định rõ thành những hành vi cấu thành tội phạm, còn tham nhũng trong công tác cán bộ nhiều khi thuộc loại "tham nhũng quyền lực", "tham nhũng quan hệ", vụ lợi tinh thần, rất khó kết luận là tham nhũng, lại càng khó khởi tố, xét xử, như những chuyện "cả họ làm quan", "cả nhà làm quan", "nâng đỡ không trong sáng"...

Có thể nhận diện một số dạng tham nhũng trong công tác cán bộ sau:

"Chạy": Đây là biểu hiện rõ nhất của tham nhũng trong công tác cán bộ. "Chạy" gắn liền với nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ trong công tác cán bộ, dẫn đến tình trạng "mua quan, bán chức" hết sức tệ hại, làm vô hiệu hóa đường lối, chủ trương, chính sách và các quy định đúng đắn trong công tác cán bộ của Đảng.

Trong các khâu của công tác cán bộ đều có hiện tượng "chạy", như chạy quy hoạch, chạy đi học, chạy luân chuyển; chạy phiếu bầu, phiếu tín nhiệm, chạy bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử; chạy nhận xét, đánh giá; chạy nâng ngạch, nâng lương; chạy bằng cấp...

Tệ nạn "chạy" đã làm hình thành, nuôi dưỡng một loại cán bộ cơ hội, thăng tiến bằng "chạy" và cũng làm xuất hiện một bộ phận cán bộ không lo làm tốt chức trách nhiệm vụ mà chỉ lo "đầu tư" xây dựng các "quan hệ" để "chạy" khi cần.

Lạm quyền: Đây là hành vi của người có trách nhiệm, thẩm quyền trong công tác cán bộ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân, đã cố ý vượt quá giới hạn thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ trong công tác cán bộ.

"Chuyến tàu vét": Do không quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc về trách nhiệm và thời điểm dừng ký các quyết định về nhân sự, về cán bộ đối với người lãnh đạo, quản lý trước khi nghỉ hưu, chuyển vị trí công tác, nên có cán bộ đã lợi dụng để ký hàng loạt quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động cán bộ lãnh đạo trước khi nghỉ hưu, hay chuyển vị trí công tác như một "chuyến tàu vét" mà trong số cán bộ được bổ nhiệm có cả những nhân sự có vấn đề, không đủ tiêu chuẩn.

Cố ý làm trái: Hành vi này có trong tất cả các dạng tham nhũng nêu ở trên, tuy nhiên cũng có những đặc trưng. Biểu hiện của dạng tham nhũng này trong công tác cán bộ là cán bộ lãnh đạo có thẩm quyền, trách nhiệm nhưng coi thường nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quyết định chủ trương công tác cán bộ không đúng quy định. Hành vi này dẫn đến những quyết định tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy trình, thủ tục, không đúng chủ trương, nghị quyết của tổ chức đảng…

Ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ phải bắt đầu bằng triệt tiêu các khả năng, con đường, phương thức tạo nên hành vi tham nhũng của cả chủ thể, đối tượng, đối tác tham gia.

Quang cảnh Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Đề án “Một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh, bền vững đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. (Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Giang đề xuất một số giải pháp. Trong đó có việc cần tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi để ban hành những quy định mới về công tác cán bộ. Cần tập trung rà soát, phát hiện, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi những quy định về công tác cán bộ không còn phù hợp, khó thực hiện, dễ bị lợi dụng để trục lợi; ban hành những quy định còn thiếu và tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các thể chế về công tác cán bộ, nhất là những quy định về đánh giá, thi tuyển, bầu cử, bổ nhiệm, quản lý cán bộ; về kê khai tài sản của cán bộ...

Cần khẩn trương xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ trong công tác cán bộ. Để phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ theo hướng đa chiều: Kiểm soát bằng thể chế kết hợp với kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm; kiểm soát bên trong của tổ chức kết hợp với kiểm soát bên ngoài của nhân dân, xã hội…

Cần đổi mới cơ quan kiểm tra của Đảng và thanh tra của Nhà nước để thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực mạnh nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng../.

(Hết)

Trần Quang Vinh

Xem thêm