Đến năm 2025, Đà Nẵng phấn đấu đạt 42% nhân lực chất lượng cao trên tổng nguồn nhân lực và tầm nhìn đến năm 2045 phấn đấu đạt 50%.
Xác định việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực quan trọng để thu hút nguồn đầu tư mới, khôi phục tăng trưởng kinh tế sau dịch COVID-19, Đà Nẵng đã có những bước chuẩn bị, đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng, với sự quan tâm, phối hợp của các ban, ngành, trường học.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, đến năm 2025, Đà Nẵng phấn đấu đạt 42% nhân lực chất lượng cao trên tổng nguồn nhân lực và tầm nhìn đến năm 2045 phấn đấu đạt 50%.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho hay, Nghị quyết 43-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội lớn, trung tâm tài chính, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nhu cầu nguồn nhân lực cho thành phố cần có sự vượt trội so với các địa phương khác. Do đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, cần được quan tâm đầu tư hơn nữa; đặc biệt đối với các ngành kinh tế mũi nhọn, có tính đột phá cao, đem lại giá trị gia tăng, tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó, Đà Nẵng chú trọng thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, doanh nhân và lao động kỹ thuật cao để tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác, giao thương với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đồng thời, thành phố đẩy mạnh phát triển hệ thống các cơ sở đào tạo; phối hợp với Đại học Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu đô thị Đại học theo Quy hoạch được Chính phủ phê duyệt; xúc tiến thành lập các trường Đại học mới như: Trường Đại học Việt - Anh, Trường Đại học Y - Dược trực thuộc Đại học Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thành phố cần xác định cơ cấu nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Theo khung trình độ nhân lực quốc gia, nguồn nhân lực chủ yếu có khả năng đổi mới sáng tạo cần có trình độ tương đương bậc 7 trở lên.
Theo ông Nguyễn Ngọc Vũ, các chính sách thu hút, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài không chỉ khoanh vùng trong đội ngũ cán bộ các sở, ngành, quận, huyện mà cần có chính sách “mở”, liên thông từ nguồn các cơ quan Trung ương, các trường Đại học để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng của đội ngũ trí thức.
“Việc thành phố được thí điểm mô hình Chính quyền đô thị là cơ hội cần tận dụng để nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp; hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi, đảm bảo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn (du lịch, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính-ngân hàng, logistics...), sẵn sàng thu hút đón làn sóng đầu tư mới, góp phần khôi phục tăng trưởng kinh tế”, Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhận định.
Theo báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng, các cơ sở đào tạo tại thành phố đã thực hiện khá tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo cho sự phát triển của thành phố. Các trường Đại học đã nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thông qua xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên (số lượng giảng viên có trình độ sau đại học đạt 73%). Bên cạnh đó, các trường đã linh hoạt trong việc cải tiến chương trình đào tạo, hợp tác đào tạo với các trường, tổ chức quốc tế, liên kết chặt với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Thành phố đã hình thành nhiều cộng đồng khởi nghiệp do Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo thành lập, tiêu biểu như: Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, Câu lạc bộ Ươm mầm Doanh nhân Đà Nẵng, Câu lạc bộ Khởi nghiệp Bách khoa, Câu lạc bộ Khởi nghiệp Duy Tân…
Thành phố đã ban hành Đề án nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành "Thành phố thông minh" thông qua việc khai thác, sử dụng tối đa nguồn lực chất lượng cao, tạo điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo./.
- Từ khóa:
- nguồn nhân lực chất lượng cao