41 doanh nghiệp ở Ninh Bình được khảo sát cho thấy có nhu cầu tuyển trên 9.300 lao động
Tỉnh Ninh Bình hiện có hơn 3.400 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng trên 170.000 lao động. Nhiều năm trở lại đây, tỉnh đã đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm. Tuy nhiên, nhu cầu về lao động của tỉnh vẫn lớn, đặc biệt là lao động có trình độ cao.
Khảo sát gần đây của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đối với 41 doanh nghiệp ở trong và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho thấy, đa phần các doanh nghiệp này đều có nhu cầu tuyển thêm lao động để đảm bảo sản xuất kinh doanh. Hiện 41 doanh nghiệp (chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực may, điện, điện tử...) được khảo sát có nhu cầu tuyển trên 9.300 lao động, gồm 9.000 lao động phổ thông và hơn 300 lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Regis, Cụm công nghiệp Văn Phong, huyện Nho Quan, hoạt động trong lĩnh vực giầy da, hiện có trên 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/tháng. Do mở rộng quy mô sản xuất, Công ty hiện có nhu cầu tuyển dụng từ 500-1.000 lao động, trong đó, đa phần là lao động phổ thông. Số lao động chuyên môn kỹ thuật cao và nhân viên văn phòng chiếm khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng lao động mới. Tuy nhiên, hiện nay, công tác tuyển dụng của Công ty gặp nhiều khó khăn.
Bà Đinh Thị Kim Huế, cán bộ phụ trách nhân sự của Công ty cho biết, mặc dù áp dụng nhiều giải pháp để thu hút lao động như phát tờ rơi, tờ gấp, thông tin trên mạng xã hội... nhưng lượng lao động đến đăng ký tuyển dụng rất thấp, đặc biệt là lao động ứng tuyển vị trí nhân viên văn phòng và lao động có tay nghề kỹ thuật cao. Do đó, Công ty chỉ hoạt động với quy mô lao động hiện có, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh.
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp hiện nay rất lớn và đa dạng. Tuy nhiên, công tác tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do các địa phương thiếu lao động tại chỗ, nhiều vị trí việc làm đòi hỏi lao động có kỹ thuật chuyên môn cao. Một số Công ty đang có nhu cầu tuyển lượng lớn lao động phổ thông như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vennergy, Khu Công nghiệp Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình có nhu cầu tuyển 2.000 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn giầy Athena, huyện Yên Mô cần tuyển 2.000 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dream Plastic, Cụm công nghiệp Khánh Thượng, huyện Yên Mô cần tuyển 1.000 lao động...
Ông Lê Đức Mạnh, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm - Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình cho biết, Sở đã thực hiện nhiều giải pháp để thông tin rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn như: Đăng chỉ tiêu tuyển dụng trên sàn giao dịch việc làm, trang thông tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; thông tin tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm lưu động ở các huyện, thành phố. Mặt khác, Sở phối hợp với các huyện, thành phố thông tin tuyển dụng lao động trên đài truyền thanh 3 cấp, nhất là cấp xã để thông tin rộng rãi đến người dân. Sở gửi thông báo tuyển dụng của doanh nghiệp đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa đề nghị phối hợp thông tin tuyển dụng lao động tới người dân địa phương.
Đơn vị đã thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật đến cơ sở đào tạo để học viên, sinh viên tham khảo, lựa chọn vị trí việc làm phù hợp sau khi ra trường; thực hiện kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để doanh nghiệp và cơ sở đào tạo liên kết trong đào tạo, tuyển dụng. Sở đã kết nối để Công ty Trách nhiệm hữu hạn Global Tone phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Ninh Bình trao đổi, hỗ trợ sinh viên được tham quan, thực tập tại doanh nghiệp, trên cơ sở đó đánh giá kết quả và xem xét tuyển dụng sau khi tốt nghiệp, hỗ trợ đào tạo chuyên môn về Hóa - Dược cho lao động của doanh nghiệp.
Thống kê đầy đủ hơn về nhu cầu tuyển dụng lao động, ông Trần Kim Long, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình cho biết, toàn tỉnh có 136 doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng gần 27.000 lao động ở nhiều vị trí việc làm, đa phần là lao động phổ thông. Từ đầu năm 2022, Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để làm cầu nối giữa doanh nghiệp với người lao động trong xúc tiến, giải quyết việc làm, trong đó đã ký chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để kết nối, giới thiệu việc làm cho hội viên phụ nữ và những người trong độ tuổi lao động.
Theo UBND tỉnh Ninh Bình, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 14.740 người, vượt 5,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 86,6% kế hoạch, tăng 69,3% so với cùng kỳ năm 2021./.