Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.725 tỷ đồng, trong đó có 232 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng và dự phòng.
Liên quan đến việc 23 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A qua thành phố Cà Mau dẫn đến khiếu nại kéo dài, UBND tỉnh Cà Mau đã chủ động vào cuộc nhằm giải quyết thấu đáo, tránh những bức xúc có thể xảy ra, đồng thời để dự án có thể triển khai đúng kế hoạch.
Dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định 2312/QĐ-BGTVT ngày 16/12/2020 với chiều dài tuyến khoảng 14,243 km. Trong đó, đoạn qua thành phố Cà Mau dài khoảng 10 km, đoạn qua huyện Cái Nước dài 4,2 km. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.725 tỷ đồng, trong đó có 232 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng và dự phòng. Theo quyết định trên, dự án được thực hiện hoàn thành vào năm 2022.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2021, khi triển khai dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Cà Mau, 23 hộ dân ở xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước đã có nhiều đơn yêu cầu, khiếu nại, kiến nghị. Một số nguyên nhân cơ bản mà các hộ nêu ra là người dân không được hưởng lợi từ dự án, đồng thời thắc mắc về giá bồi thường quá thấp, việc bố trí tái định cư chưa rõ ràng. Bên cạnh đó là quy trình thu hồi, bồi thường hỗ trợ về đất thiếu công khai, công bằng… sự nhập nhằng liên quan đến dự án tại khu công nghiệp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước.
Liên quan đến các vấn đề mà người dân đặt ra, ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau giải đáp, nhiều năm trước đây, Khu công nghiệp Hòa Trung được hình thành tự phát nên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trong vùng. Để giải quyết vấn đề này, năm 2004, tỉnh Cà Mau đã trình Chính phủ xin thành lập Khu công nghiệp Hòa Trung. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và qua nhiều lần điều chỉnh, đến năm 2016, UBND tỉnh đề nghị HĐND ghi vốn cấp bách để xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp. Trong năm 2017 và 2018, công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 được tiến hành.
Trong khi đó, Dự án Tuyến tránh Quốc lộ 1A được hình thành từ năm 2011, nhưng quy hoạch tuyến tránh trước đây có điểm cuối ra khu đô thị Hoàng Tâm (xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau). Đến năm 2020, dự án được quy hoạch kéo dài ra, đấu nối lên tuyến trục chính của Khu công nghiệp Hòa Trung. Trong tổng số 14,2km của dự án thì có 4,2km nằm trên trục chính của khu công nghiệp, trong đó có 1,88km thuộc quỹ đất sạch của dự án khu công nghiệp và 2,32km nằm trên trục chính của khu công nghiệp.
“Khu vực này đang trong quá trình thu hồi, bồi thường về đất để làm Khu công nghiệp Hòa Trung nên tỉnh Cà Mau quyết định không làm dự án thu hồi đất tuyến tránh riêng, mà tận dụng việc thu hồi đất đang thực hiện. Người dân có sự nhầm lẫn vấn đề này, từ đó, không đồng thuận với việc thực hiện dự án vì cho rằng không được hưởng lợi mặt tiền khi tuyến tránh đi ngang qua phần đất của mình” ông Huỳnh Thanh Dũng nói.
Trong 9 nhóm vấn đề người dân đưa ra và yêu cầu phải giải đáp, nổi cộm nhất là sự chênh lệch về giá đất. Vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Dũng cho biết, giá đất đền bù cho người dân đều áp dụng với giá thị trường, tức là sau khi thực hiện đo đạc, kiểm đếm, Sở đã thuê một đơn vị tư vấn độc lập để khảo sát giá thị trường với mục tiêu đảm bảo giá khi áp dụng là phù hợp, mang tính chung nhất giữa các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án. “Người dân trong quy hoạch khu công nghiệp đã có Quyết định thu hồi đất từ 2018, nên giá thấp hơn những người bị thu hồi đất mới đây để làm tuyến tránh ngoài khu công nghiệp”, ông Dũng nói rõ.
Giải đáp thắc mắc của người dân khi cho rằng quy trình thu hồi đất thiếu rõ ràng, công khai, kịp thời, bên cạnh là việc chậm giải quyết các yêu cầu, khiếu nại liên quan… Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Nước Huỳnh Hùng Em đã thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót đối với người dân. Đồng thời cho rằng địa phương sẽ nghiêm túc khắc phục các vấn đề này trong thời gian tới.
“Theo kế hoạch, Sở Xây dựng sẽ xuống địa phương để tiến hành họp cộng đồng dân cư nhằm lấy ý kiến người dân một lần nữa trên cơ sở đó sẽ triển khai hướng tiếp theo. Mục tiêu là làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên”, ông Huỳnh Hùng Em thông tin.
Theo ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trong điều kiện nguồn lực của địa phương còn hạn chế để xây dựng khu công nghiệp Hòa Trung, thì khi có chủ trương thực hiện xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 1A, tỉnh Cà Mau đã đề xuất Trung ương và được đồng ý cho phép dự án nhập vào trục chính của Khu công nghiệp Hòa Trung nhằm tạo kết cấu hạ tầng được đồng bộ.
“Do đó, không phải địa phương xây dựng khu công nghiệp ở hai bên tuyến đường tránh mà là tuyến đường tránh nhập vào trục đường chính của khu công nghiệp đã được quy hoạch”, ông Lâm Văn Bi thông tin, đồng thời cho biết sẽ xem xét điều chỉnh một phần quy hoạch Khu công nghiệp Hòa Trung để người dân được hưởng lợi khi tuyến tránh đi qua.
Ông Lâm Văn Bi chia sẻ thêm: “Lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành rất thấu hiểu những thắc mắc của người dân. Do đó, tới đây các cơ quan có liên quan sẽ cùng ngồi lại với người dân với để thống nhất cụ thể phạm vi điều chỉnh sao cho hợp lý, hợp tình, sau đó trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt".
Giải đáp khúc mắc của người dân về giá bồi thường, ông Lâm Văn Bi khẳng định không thể thay đổi, vì quy định pháp luật giá bồi thường được tính tại thời điểm ra Quyết định bồi thường và không cho phép điều chỉnh giá. Tuy nhiên, UBND tỉnh Cà Mau đã và sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát từng hộ một để có phương án hỗ trợ, tái định cư hợp lý, đảm bảo đúng quy định của pháp luật để làm sao cuộc sống của người dân được phát triển theo hướng tốt hơn trước khi bị thu hồi đất.
Được biết, sau khi nghe lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương trao đổi, giải đáp thắc mắc, người dân cơ bản đồng tình và ủng hộ với chính quyền nhiều vấn đề quan trọng. Với tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục có thêm nhiều cuộc trao đổi nhằm tìm giải pháp tháo gỡ triệt để các vấn đề còn tồn đọng./.