Khoa học

Đà Nẵng: Tích cực triển khai chuyển đổi số trên các lĩnh vực

Đà Nẵng

Chuyển đổi số tại Đà Nẵng đang diễn ra mạnh mẽ, với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân.

Giao diện của website khodulieu.danang.gov.vn để người dân có thể khai thác dữ liệu. 

TTXVN - Kinh tế số đã đóng góp đáng kể trong cơ cấu GRDP thành phố, đạt 17% (năm 2022), góp phần không nhỏ trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội số, từng bước hình thành, tạo được thói quen, kỹ năng số trong người dân. Cùng với định hướng của Bộ Thông tin và truyền thông, Đà Nẵng đã lựa chọn chủ đề chuyển đổi số năm 2023 là “Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.

*Xây dựng dữ liệu chuyển đổi số

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho hay, quá trình chuyển đổi số của thành phố kế thừa từ triển khai chính quyền điện tử, đô thị thông minh, trong đó dữ liệu có vai trò quyết định tạo ra giá trị mới.

Theo đó, bắt đầu từ năm 2020, Đà Nẵng tiến hành nghiên cứu, hình thành nền tảng Kho dữ liệu dùng chung (giai đoạn 1). Kho dữ liệu này có khả năng thu nhận, hợp nhất dữ liệu đến từ nhiều nguồn, đồng thời hỗ trợ làm sạch, chuẩn hóa dữ liệu để phân tích, xử lý dữ liệu lớn, ra quyết định dựa trên dữ liệu; đây cũng là đầu mối duy nhất chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khác khai thác, sử dụng, cung cấp dữ liệu mở cho người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, thành phố đã hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu nền như: cơ sở dữ liệu công dân, doanh nghiệp, nhân hộ khẩu, cán bộ công chức viên chức, thủ tục hành chính...Ngoài ra, thành phố đã bước đầu hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu GIS (cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý). Các cơ quan, địa phương đã xây dựng 560 cơ sở dữ liệu và ứng dụng chuyên ngành để phục vụ cung cấp dịch vụ công. Người dân có thể khai thác dữ liệu này trên kho dữ liệu dùng chung (khodulieu.danang.gov.vn) và cổng dữ liệu mở (opendata.danang.gov.vn) của thành phố.

Cùng với việc đầu tư cơ sở dữ liệu, hạ tầng số được thành phố đầu tư xây dựng như: mạng viễn thông dùng riêng (mạng MAN) với tổng chiều dài 400 km cáp quang ngầm, kết nối các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, Trung tâm Dữ liệu thành phố có dung lượng lưu trữ đến 170 TB, được thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn TIER III, sử dụng công nghệ ảo hóa, bảo đảm năng lực tính toán và dung lượng lưu trữ phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và đang được nâng cấp, mở rộng để xây dựng thành phố thông minh.

Đà Nẵng đã thí điểm lắp đặt hệ thống truyền dẫn LoRa tại một số địa điểm để hỗ trợ kết nối và phục vụ giám sát như quản lý xe cứu thương, thùng rác..; xây dựng mạng WiFi công cộng miễn phí cho người dân với 430 trạm phát sóng. Thành phố còn phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) như trung tâm an ninh trật tự, trung tâm giao thông thông minh, trung tâm quan trắc môi trường nước và không khí…nhằm thu thập thêm nguồn dữ liệu.

*Phát huy vai trò của nguồn dữ liệu số

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho hay, các dữ liệu được thu thập, xây dựng và phân tích đã góp phần chuyển đổi hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý đô thị của các cơ quan thành phố, cụ thể như: theo dõi công việc lãnh đạo thành phố giao; báo cáo điện tử và điều hành; giám sát cung cấp dịch vụ công; giám sát giao thông, quan trắc tự động chất lượng môi trường nước, không khí; giám sát hành trình xe cứu thương; sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng tại các văn phòng công chứng.

Những năm gần đây, Đà Nẵng đã đưa vào hoạt động Cổng Dữ liệu mở phục vụ cung cấp dữ liệu mở của người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác (qua API, web, SMS, Zalo). Đến nay, thành phố đã cung cấp hơn 600 tập dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác, hình thành nên những sản phẩm mới, dịch vụ mới; các ứng dụng về Trí tuệ nhân tạo (AI) đã được áp dụng như: Trợ lý số (bao gồm chatbot/voicebot) tự động hướng dẫn thủ tục hành chính, dịch vụ công, thông tin kinh tế xã hội...; triển khai nền tảng di động Da Nang Smart city cung cấp hơn 30 dịch vụ thông minh và các tiện ích tra cứu, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân, cộng đồng.

Với việc triển khai nền tảng công dân số, mỗi người dân có một tài khoản số và một kho dữ liệu số, đăng nhập 1 lần và kế thừa lại dữ liệu số trong các lần sử dụng dịch vụ tiếp theo. Đến nay, thành phố đã có khoảng 260.000 tài khoản công dân số (hơn 43% dân số trưởng thành); góp phần đưa tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt hơn 78% (gấp 1,5 lần trung bình toàn quốc).

Trong phiên họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng Quý I/2023, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, các cơ quan, đơn vị đã từng bước chuyển đổi phương thức hoạt động từ thủ công sang môi trường số và sử dụng dữ liệu số trong quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công. Kinh tế số đã có những đóng góp đáng kể vào cơ cấu GRDP thành phố. Riêng năm 2022, kinh tế số đã đóng góp khoảng 17% GRDP thành phố. Hơn 43% dân số trong độ tuổi trưởng thành của thành phố có tài khoản công dân số.

Các sở, ban, ngành, địa phương đã tích cực triển khai chuyển đổi số trên các lĩnh vực và có nhiều sản phẩm chuyển đối số mới, tiện ích như: Trung tâm Y tế Ngũ hành Sơn đã triển khai cấp Giấy khám sức khoẻ số để phục vụ, sử dụng trong cung cấp Giấy phép lái xe mức 4. Sở Giao thông Vận tải triển khai vé xe Bus theo mã QR và tích hợp thanh toán trực tuyến. Sở Thông tin và Truyền thông bổ sung chức năng theo dõi lượng mưa và bản đồ mưa ngập thành phố trên Ứng dụng Da Nang Smart City.../.

PV

Xem thêm