Tọa đàm thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các sở, ngành, xoay quanh nhận diện điểm nghẽn và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo của vùng.
TTXVN - Trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, tầm nhìn 2045, ngày 16/6, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Tọa đàm “Khoa học, Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp - Động lực cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tọa đàm thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các sở, ngành, xoay quanh nhận diện điểm nghẽn và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo của vùng.
* Nhận diện “điểm nghẽn”
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thông tin, hiện tỷ lệ thương mại hóa các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tại những viện/trường rất thấp. Lý do, các nghiên cứu nghiêng nhiều về hàn lâm, chưa bám sát nhu cầu thực tiễn xã hội; phần nữa là do những bất cập về cơ chế chính sách.
Luật Viên chức không cho phép nhà khoa học đang công tác trong các viện/trường được mở công ty để có thể thương mại hóa các nghiên cứu và sáng chế. Điểm nghẽn này khiến những nghiên cứu ấy khó tiếp cận được vào thực tiễn đời sống. Hoặc, đối với Luật Tài sản công, hiện chưa cho phép chia sẻ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ của đơn vị công cho các đơn vị tư sử dụng có tính phí. Điều này khiến các tài sản công bị lãng phí, trong khi các đơn vị tư nhân lại không tiếp cận được với hạ tầng công nghệ hiện đại do thiếu vốn đầu tư.
Thiếu “nhạc trưởng” trong điều phối, định hướng đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng là một trong những điểm nghẽn mà các đại biểu nêu ra . Do không có “nhạc trưởng”, các tỉnh/thành phố, các đơn vị trong vùng mỗi nơi hiểu khái niệm “đổi mới sáng tạo”, “hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” khác nhau, vận dụng, thực hiện và thiết lập chính sách hỗ trợ khác nhau. Đa phần ít chú ý đến sự hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ. Điều này khiến cho “hệ sinh thái” không thể thực sự hình thành, hoặc không thể vận hành trơn tru.
Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, Giám đốc Công ty Cổ phần Rynan Technologies Việt Nam, do không có “nhạc trưởng”, hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang có sự vận hành chưa đúng, khiến doanh nghiệp dễ thất bại từ trong trứng nước. Các doanh nghiệp chỉ chú trọng sản phẩm hóa ý tưởng khởi nghiệp và bán chúng ra thị trường, mà quên mất tầm quan trọng của việc đăng ký độc quyền cho các ý tưởng/sản phẩm này. Nói cách khác, doanh nghiệp mới chỉ ý thức được giá trị của tài sản hữu hình mà quên đi những tài sản vô hình mình đang sở hữu. Điều này khiến doanh nghiệp khi bị sao chép, nhái sản phẩm thì không được pháp luật bảo hộ, bảo vệ. Thậm chí doanh nghiệp có thể bị tước quyền khai thác sản phẩm nếu doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ.
* Kiến nghị giải pháp
Để tăng tỷ lệ thương mại hóa các công trình nghiên cứu, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, đổi mới sáng tạo phải được xem là nhiệm vụ cấp bách nhằm thích ứng với thời cuộc 4.0. Tuy vậy, nó phải được xuất phát từ các bài toán của thực tế thay vì những mục tiêu chung chung. Cụ thể, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nên ưu tiên vào một số lĩnh vực cấp bách của vùng như: an ninh nguồn nước, xâm nhập mặn, nuôi trồng nông - thủy - hải sản…
Bên cạnh đó, các cơ quan lập pháp cần điều nghiên chỉnh sửa, bổ sung các quy định nhằm giúp cho những đơn vị nghiên cứu như viện/trường, các nhà khoa học hiện là công chức nhà nước thuận lợi hơn trong thương mại hóa ý tưởng/công trình nghiên cứu của mình. Đối với Luật Tài sản công, cần có sự điều chỉnh để có thể cho phép các đơn vị tư nhân được sử dụng với chi phí hợp lý. Điều này sẽ giúp giải bài toán kép về khai thác hiệu quả tài sản công và sự hạn chế về vốn đầu tư ở các doanh nghiệp khởi nghiệp tư nhân nhỏ nên chưa thể sở hữu được hạ tầng công nghệ tốt.
Về vai trò của “nhạc trưởng” trong đổi mới sáng tạo, đặc biệt đối với khởi nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đến vai trò đầu tàu của Trường Đại học Cần Thơ cả về vị trí địa lý trung tâm vùng đến quy mô, bề dày nghiên cứu khoa học. Do đó, Trường cần đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết giữa chính quyền - nhà nghiên cứu - doanh nghiệp.
Sự liên kết này sẽ là nền tảng vững chắc để “hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tồn tại và phát triển. Ở đó, các đơn vị mạnh về quy trình, công nghệ, ý tưởng, cơ sở vật chất… sẽ hỗ trợ các đơn vị còn yếu, còn mới hay thiếu kinh nghiệm. Với những doanh nghiệp mới khởi nghiệp, sẽ có sự hỗ trợ “xây dựng cơ chế độc quyền” về sở hữu trí tuệ thay vì chỉ mới chú trọng đến hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm.
Hệ sinh thái khởi nghiệp được ví như một cánh rừng, phải có sự quan tâm hỗ trợ công bằng cho cả cây cổ thụ và thảm cỏ, bởi chúng là một thể thống nhất không thể tách rời. Doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều có vai trò của nó trong sự kết nối cung ứng, hoạt động. Chỉ có tạo thành chuỗi liên kết mới có thể đảm bảo cho sự vận hành hệ thống thống nhất một mục tiêu chung, thay vì mệnh ai nấy chạy - ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, để hiện thực hóa cam kết đồng hành và nhất quán hành động giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ đã ký kết hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam. Việc ký kết này nhằm tối ưu hóa tiềm lực các bên, hướng tới phục vụ cộng đồng hiệu quả hơn./.