Theo Đại sứ Pháp, trong 20 năm qua, nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển vô cùng ấn tượng và người dân Việt Nam ngày càng sung túc hơn, có những nhu cầu ngày càng phát triển hơn.
TTXVN - Nhân dịp năm mới 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn của Việt Nam, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đã có cuộc trao đổi đầu Xuân với phóng viên TTXVN về quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp.
*Phóng viên: Năm 2023 ghi đậm nét các hoạt động sôi động của hai nước Việt Nam - Pháp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Xin Đại sứ chia sẻ đánh giá khái quát về quan hệ hai nước trong năm qua?
*Đại sứ Olivier Brochet: Cá nhân tôi cảm thấy rất vui và may mắn khi được đến Việt Nam vào một thời điểm đặc biệt - khi hai nước diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. 50 năm qua, chúng ta có rất nhiều các hoạt động phong phú, đa dạng trên tất cả lĩnh vực. Và năm 2023, chúng ta kỷ niệm mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia và đồng thời chúng ta chuẩn bị cho những thập niên tới làm sao tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác giữa Pháp - Việt Nam.
Về các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ hai nước, nếu có thể tóm tắt các hoạt động kỷ niệm 50 năm trong năm 2023 bằng hai cụm từ thôi, tôi xin được lựa chọn đó là “tình hữu nghị” và “sự tin cậy”.
Tình hữu nghị và sự tin cậy đã được hai nước vun đắp trong suốt 50 năm thông qua các hoạt động khác nhau. Năm 1993, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand sang Việt Nam với tư cách là nguyên thủ quốc gia phương Tây đầu tiên đến với Việt Nam đổi mới, để mở ra một thời kỳ Pháp đồng hành cùng Việt Nam từ đó đến nay.
Ngày nay, chúng ta có thể nói rằng đúng như lời Lãnh đạo của hai nước, cụ thể là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong cuộc điện đàm ngày 20/10/2023 đã trao đổi, đó là tinh thần quyết tâm, thiện chí của hai bên, làm sao tăng cường hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai bên cho những nhiệm kỳ tới. Quan hệ Đối tác chiến lược mà Việt Nam và Pháp mong muốn phát triển cho những thập kỷ tới dựa trên cơ sở tôn trọng tình hữu nghị, chủ quyền quốc gia.
Bên cạnh đó, Pháp mong muốn hỗ trợ để Việt Nam có được sự phát triển bền vững lâu dài, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam cũng là một trong những nước phải chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, đồng hành với Việt Nam làm sao để thích ứng với quá trình chuyển đổi trong bối cảnh biến đổi khí hậu cũng là một ưu tiên của Pháp trong quan hệ hợp tác song phương.
Trên tinh thần như vậy, năm 2023 có rất nhiều các sự kiện đánh dấu mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này. Tôi có thể kể ra như trong khuôn khổ quan hệ đối tác "chuyển đổi năng lượng công bằng" (JETP) mà Pháp cũng có sự tham gia tích cực. Pháp đã có sự cam kết dành 500 triệu Euro cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Đổi mới sáng tạo là một ưu tiên hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng để Việt Nam có thể phát triển. Trong lĩnh vực này, Pháp có những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và mong muốn chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm cho Việt Nam.
Hợp tác giữa các địa phương cũng là một điểm đáng lưu ý trong quan hệ giữa hai nước. Quả thực, hợp tác giữa các địa phương Pháp và Việt Nam diễn ra rất mạnh mẽ. Hình thức hợp tác này được Pháp rất ủng hộ. Điều này thể hiện trong Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam - Pháp lần thứ 12 được tổ chức vào tháng 4/2023. Điều mà tôi nhận thấy là hoạt động hợp tác này không phải thông qua các dự án tức thời mà là những dự án được kéo dài nhiều năm. Đây là cơ hội thuận lợi để các bên gặp gỡ, hiểu biết nhau hơn và đồng thời cũng có thời gian để xác định đúng những nhu cầu hợp tác của hai bên. Hiện có hàng chục dự án diễn ra tại các địa phương trong cả nước.
*Phóng viên: Sang năm 2024, Đại sứ và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam có kế hoạch gì để góp phần phát triển mối quan hệ hai nước trên đà những thành tựu tốt đẹp mà hai nước đã đạt được?
*Đại sứ Olivier Brochet: Những ưu tiên của tôi trong nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam cũng theo những đường hướng mà Lãnh đạo hai nước đã đưa ra như tôi nêu trên, như những vấn đề liên quan đến vấn đề chủ quyền; đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như là chuyển dịch năng lượng; quá trình phát huy những yếu tố liên quan đến đổi mới sáng tạo.
Một lĩnh vực nữa mà tôi rất mong muốn phát triển trong nhiệm kỳ của mình, đó là tăng cường sự hiện diện kinh tế của Pháp tại Việt Nam cũng như là tăng cường giao thương kinh tế giữa hai nước. Những gì chúng ta đã có, làm tốt rồi, chúng tôi mong muốn sẽ phát triển tốt hơn, đặc biệt trên cơ sở việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
*Phóng viên: Đại sứ có nhấn mạnh tới ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước trong nhiệm kỳ công tác của mình ở Việt Nam. Vậy, theo Đại sứ, đâu là những tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước?
*Đại sứ Olivier Brochet: Để mô tả hợp tác kinh tế giữa Pháp và Việt Nam, tôi có thể nói là “tiềm năng vô cùng lớn”. Bởi Việt Nam đang không ngừng phát triển và mong muốn hiện đại hóa nền kinh tế của mình và tăng cường hơn nữa những lợi thế của mình trên trường quốc tế. Trong 20 năm qua, nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển vô cùng ấn tượng và người dân Việt Nam ngày càng sung túc hơn, có những nhu cầu ngày càng phát triển hơn. Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp Pháp ngày càng có cơ hội để đưa những những sản phẩm và dịch vụ tới thị trường Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng hình ảnh về những sản phẩm Pháp ở Việt Nam là tích cực. Tôi đưa ra một ví dụ mang tính biểu tượng cao, đó là lĩnh vực hàng không. Hợp tác hàng không giữa Việt Nam và Pháp rất mạnh mẽ. Ba hãng Hàng không hàng đầu của Việt Nam đều sử dụng máy bay Airbus - đây là một trong những hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới, có trụ sở tại thành phố Toulouse, Pháp. Hay như hợp tác trong lĩnh vực đường sắt và giao thông đô thị thể hiện qua tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, sắp tới sẽ đi vào khai thác đoạn trên cao.
Hợp tác kinh tế giữa hai nước còn được thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác, trong đó phải kể đến hợp tác về năng lượng. Quá trình phát triển ở Việt Nam đòi hỏi nhu cầu năng lượng lớn. Do vậy, phải làm sao phải mở rộng công suất của nhà máy điện và thay đổi phương thức sản xuất điện để giảm thiểu phát thải lượng carbon. Pháp sẵn sàng đồng hành với Việt Nam để thực hiện quá trình chuyển đổi này. Có thể kể đến một số dự án có dấu ấn hợp tác của Pháp hiện nay như dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, dự án Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái.
Tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước cũng có thể được thể hiện trong các lĩnh vực dược phẩm, vật phẩm y tế, công nghiệp thực phẩm...
*Phóng viên: Việt Nam và Pháp có quan hệ giao lưu nhân dân rất sôi động, điều này được chứng minh như thế nào, thưa Đại sứ?
*Đại sứ Olivier Brochet: Mối quan hệ giao lưu giữa nhân dân chính là nền tảng trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Người Pháp mong muốn khám phá về Việt Nam và trong mắt người Pháp, hình ảnh về Việt Nam rất đẹp. Chúng tôi tin rằng cũng có những tình cảm tương tự như vậy từ phía người Việt Nam đối với Pháp.
Số lượng du học sinh Việt Nam sang Pháp rất đông đảo. Chúng tôi luôn tạo điều kiện để đón sinh viên Việt Nam sang.
Kênh du lịch cũng là một kênh quan trọng. Chúng tôi vui mừng nhận thấy khách du lịch Pháp đến Việt Nam trong năm 2023 tăng cao. Tuy rằng, con số này chưa được bằng con số trước khi xuất hiện dịch COVID-19 nhưng có rất nhiều người Pháp muốn quay trở lại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn sẽ càng ngày càng có nhiều người Việt Nam sang Pháp, nhất là năm nay diễn ra Olympic mùa Hè tại Paris - Đây là một dịp rất tuyệt vời để khách du lịch Việt Nam khám phá nước Pháp.
*Phóng viên: Nhân dịp năm mới 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn của Việt Nam, Đại sứ có thông điệp gì muốn gửi gắm tới đất nước, con người Việt Nam?
*Đại sứ Olivier Brochet: Nhân dịp năm mới, tôi muốn gửi lời chúc sức khỏe, thịnh vượng và thành công tới người dân Việt Nam. Chúc Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Chúc cho tình hữu nghị và hợp tác giữa Pháp - Việt Nam ngày càng được tăng cường hơn nữa!
*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn và chúc Đại sứ có những trải nghiệm thú vị khi đón Tết cổ truyền của Việt Nam!