Nhà hát Chèo Quân đội vừa dàn dựng và ra mắt vở chèo “Đại đội trưởng của tôi” của cố tác giả Đào Hồng Cẩm, vở diễn để lại dấu ấn sâu sắc đối với nhiều thế hệ khán giả.
TTXVN - Nhà hát Chèo Quân đội vừa dàn dựng và ra mắt vở chèo “Đại đội trưởng của tôi” của cố tác giả Đào Hồng Cẩm. Đây là một tác phẩm được đánh giá là có kịch bản hay nhất về thời kỳ kháng chống Mỹ cứu nước, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ. Vở diễn để lại dấu ấn sâu sắc đối với nhiều thế hệ khán giả, nhất là những người đã đi qua các cuộc kháng chiến, giải phóng đất nước để dân tộc được sống trong hòa bình, tự do.
* “Đại đội trưởng của tôi” trên sân khấu chèo
Vở diễn “Đại đội trưởng của tôi” do tác giả Lê Thế Song chuyển thể từ kịch bản kịch nói của tác giả Đào Hồng Cẩm sang kịch bản chèo. Nghệ sỹ Nhân dân, Đại tá Vũ Tự Long, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội làm đạo diễn. Nghệ sỹ Nhân dân Hạnh Nhân phụ trách âm nhạc, Nghệ sỹ Ưu tú Đạt Tăng là họa sỹ thiết kế. Với một ê-kíp sáng tạo đều là những tên tuổi nghệ sỹ nổi tiếng, cùng sự tham gia thể hiện của gần 100 nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công trẻ, tài năng của Nhà hát chèo Quân đội, công chúng đã được thưởng thức một vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng nhưng đậm chất chèo. Đặc biệt, vở diễn mang đến cảm xúc mới mẻ, xúc động cho khán giả yêu nghệ thuật chèo truyền thống của dân tộc ta.
Trong vở diễn “Đại đội trưởng của tôi”, Nghệ sỹ Nhân dân Tự Long cùng ê-kíp thực hiện đã tạo nên những lớp diễn xúc động, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Đó là câu chuyện về tình yêu cao đẹp giữa Đại đội trưởng Thực (nghệ sỹ Thanh Huấn thủ vai) và y tá Thành (nghệ sỹ Quỳnh Sen thủ vai) nảy nở trong gian khó; cùng với đó là tinh thần lạc quan yêu đời và luôn tin tưởng vào tương lai tươi đẹp của những người chiến sỹ cách mạng. Công chúng xúc động với hình ảnh chiến sỹ Thắng (nghệ sỹ Xuân Đón thủ vai) vì sức ép bom đạn dẫn tới bị điếc, máu chảy đầy tai nhưng anh vẫn kiên cường chiến đấu đến cùng, để rồi trước khi hy sinh, anh vẫn còn nhớ tiếng sáo diều vi vút nơi quê hương. Trong lớp diễn qua sông ở vĩ tuyến 17, khán giả không khỏi lặng người xúc động khi giọng hò xứ Quảng cất lên da diết… Có thể nói, vở diễn “Đại đội trưởng của tôi” đã khắc họa thành công hình ảnh những người lính nặng tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc, họ hết lòng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì nhân dân, vì nghĩa lớn, vì Tổ quốc tự do.
Các nhân vật trong vở diễn được xây dựng sống động, giàu tính hiện thực và rất gần với những người lính Bộ độ Cụ Hồ trong lòng dân. Có thể nói, tuy là vở diễn về đề tài chính luận, nhưng đạo diễn Tự Long đã điểm xuyết những mảng miếng hài hước, dí dỏm, cùng với sự tìm tòi khai thác triệt để chất lãng mạn, trữ tình… để mang đến sự cân bằng và hài hòa cho một vở diễn đề tài ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc.
* Vẻ đẹp hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ
Kịch bản kịch nói “Đại đội trưởng của tôi” là một trong bộ ba tác phẩm nổi tiếng của cố tác giả Đào Hồng Cẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1, cùng với kịch bản “Chị Nhàn” và “Nổi gió”. Trong đó, tác phẩm “Đại đội trưởng của tôi” được giới trong nghề đánh giá là một trong những kịch bản hay nhất về thời kỳ kháng chống Mỹ cứu nước, để lại dấu ấn sâu sắc đối với nhiều thế hệ khán giả.
Với đề tài về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, vở diễn “Đại đội trưởng của tôi” ca ngợi sự trung thành với lý tưởng cách mạng của người chiến sỹ. Lý tưởng cao cả đó luôn ngời sáng trong trái tim, khối óc mỗi người, được thể hiện trong hành động quyết chiến quyết thắng và được thử thách trong đời sống chiến đấu, cao hơn cả là tình đồng chí đồng đội, cùng chiến đấu chung một chiến hào, chung một lý tưởng vì độc lập dân tộc. Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, vở diễn ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm hình ảnh cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay.
Kịch bản của tác giả Đào Hồng Cẩm dài trên ba tiếng, tác giả Lê Thế Song cùng Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Tự Long đã rút ngắn xuống còn khoảng hai tiếng trên sân khấu chèo, nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi của văn học kịch. Vở diễn chính luận về đề tài chiến tranh cách mạng, nhưng không có hai tuyến nhân vật giữa ta và địch, không có mâu thuẫn, xung đột mang tính đối kháng giữa chính diện hay phản diện, không có kẻ ác, người xấu. Vở diễn chỉ phản ánh mâu thuẫn giữa con người với hoàn cảnh, với môi trường chiến tranh ác liệt ngay trên trận địa.
Tác giả Đào Hồng Cẩm đã thành công khi mô tả sâu sắc sự đấu tranh, mâu thuẫn trong chính suy nghĩ của những người chiến sỹ giữa nơi chiến sự ác liệt. Những hiểu lầm, ngộ nhận, tâm tư tình cảm, trăn trở giữa những người đồng đội, cha và con, cấp trên cấp dưới… từ đó làm nổi bật giá trị cao đẹp của hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ.
Có thể nói, việc chuyển thể từ một tác phẩm sân khấu kịch nói nổi tiếng sang sân khấu chèo cũng là một thách thức lớn cho ê kíp dàn dựng. Vượt qua những khó khăn và thử thách, tác giả Lê Thế Song cùng Đạo diễn - Nghệ sỹ Nhân dân Tự Long đã phối hợp sáng tạo, ăn ý và thể hiện xuất sắc hình tượng người chiến sỹ dũng cảm trên trận tuyến chống quân xâm lược.
Theo tác giả Lê Thế Song, cái khó khi chuyển thể là phải trung thành với nguyên tác kịch bản của tác giả Đào Hồng Cẩm, vì vậy, trong quá trình chuyển thể, anh phải bám sát kịch bản, chọn ngữ cảnh, tình huống kịch để chọn làn điệu, soạn lời ca sao cho phù hợp nhất với tính cách tâm lý nhân vật và tạo cảm xúc, thuyết phục người xem.
Vở diễn “Đại đội trưởng của tôi” là công trình nghệ thuật được Nhà hát Chèo Quân đội dàn dựng hướng tới chào mừng kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước. Đây cũng là một trong những tác phẩm tham gia Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2023./.