Lực lượng chức năng đã mở nhiều đợt kiểm tra, trấn áp tội phạm, qua đó, bước đầu đã ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép cát, sỏi lòng sông ở Tiền Giang.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Lý Hoàng Chiêu cho biết, để đấu tranh, phòng, chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng đã triển khai Đề án “Quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên cát tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2023 - 2025 và sau năm 2025” và “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh”, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực này.
Lực lượng chức năng đã mở nhiều đợt kiểm tra tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát trái phép. Qua đó, bước đầu đã ngăn chặn cơ bản tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép cát, sỏi lòng sông ở Tiền Giang. Từ ngày 1/1 đến ngày 3/5/2024, các ngành chức năng trên địa bàn đã tập trung kiểm tra, phát hiện 123 vụ việc với 151 đối tượng vi phạm.
Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện 27 vụ khai thác cát trái phép (đã xử lý 6 vụ với tổng số tiền 559,7 triệu đồng; 21 vụ đang xác minh); phát hiện 43 vụ vận chuyển cát không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ (đã xử lý 28 vụ với tổng số tiền 283,5 triệu đồng và tịch thu trên 1.974 m3 cát; 15 vụ việc đang xác minh, làm rõ).
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang cho biết thêm, để phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện Đề án “Quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên cát tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2023 - 2025 và sau năm 2025” và “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh”.
Các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhóm giải pháp cơ bản của Đề án gồm: về cơ chế, chính sách; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động chấp hành pháp luật, phòng ngừa vi phạm; nghiệp vụ quản lý, phòng ngừa, xử lý vi phạm, cơ chế phối hợp thực hiện; tăng cường trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản.
Các sở, ngành, cấp huyện, xã trên địa bàn cần có kế hoạch cụ thể thực hiện Đề án; kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ công tác liên ngành, thành lập các Tổ phản ứng nhanh kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Các đơn vị cần xác định công tác quản lý, phòng, chống khai thác khoáng sản trái phép là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, liên tục của các cấp, ngành. Qua đó, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, bảo đảm trật tự xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.