Thời tiết

Hội thảo "Khoa học và công nghệ - chìa khóa tin cậy giảm nhẹ rủi ro thiên tai"

Trong khoa học công nghệ về công tác dự báo khí tượng thủy văn cần quan tâm đến các vấn đề như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, dự báo dựa trên tác động...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại hội thảo. 
Ảnh: Thắng Trung-TTXVN


Ngày 30/5, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng thủy văn phối hợp với Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo quốc tế khoa học và công nghệ - chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, hội thảo này là dịp để các nhà khoa học chia sẻ những kết quả nghiên cứu, những kinh nghiệm, tầm nhìn để cùng thảo luận về các hướng đi mới, các giải pháp sáng tạo, phù hợp. Sự chia sẻ của các diễn giả là các nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế, sự đóng góp tích cực của toàn thể đại biểu sẽ giúp hội thảo tìm ra được những chìa khóa tin cậy để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái mong muốn các nhà khoa học đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực khí tượng thủy văn để ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh, cam kết hỗ trợ tối đa cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thuỷ văn Việt Nam, khoa học công nghệ giúp cho việc xác định đo lường rủi ro, chọn biện pháp giảm rủi ro, thực hiện biện pháp giảm rủi ro, đánh giá hiệu quả giảm rủi ro. Trong khoa học công nghệ về công tác dự báo khí tượng thủy văn cần quan tâm đến các vấn đề như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số (hạ tầng dữ liệu, hạ tầng thiết bị, hạ tầng công nghệ, hạ tầng cho con người), dự báo dựa trên tác động (thời tiết sẽ như thế nào, thời tiết sẽ tác động ra sao), các đề tài, dự án của các nhà khoa học trẻ...

Hiện nay, những trạm quan trắc khí tượng thủy văn tự động dần thay thế các trạm quan trắc thủ công cũng góp phần tích cực trong công tác cung cấp số liệu dự báo, từ đó đưa ra các dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn sát thực để giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đề cập đến những điểm mới trong xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Nga, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho hay, Viện đã xây dựng và cập nhật được kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề cực đoan về khí hậu, chi tiết cho các giai đoạn đến năm 2100 trên cơ sở báo cáo đánh giá lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu.

Viện đã xây dựng bản đồ đặc trưng mực nước biển, sóng biển, nhiệt độ bề mặt nước biển cho Việt Nam trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng chi tiết cho các giai đoạn đến năm 2100 trên cơ sở báo cáo của đánh giá lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu; xây dựng được tập bản đồ nguy cơ ngập theo các kịch bản nước biển dâng và đánh giá nguy cơ ngập tổng cộng do nước biển dâng cùng với ảnh hưởng của yếu tố khác như thủy triều, nước dâng do bão, nâng hạ địa chất, sụt lún do khai thác nước ngầm chi tiết cho các giai đoạn đến năm 2100; xây dựng được tài liệu tập huấn, hướng dẫn sử dụng kịch bản và cơ sở dữ liệu WebGIS, các ứng dụng trên nền tảng web phục vụ cho việc khai thác, sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho các ngành kinh tế, xã hội, địa phương, tổ chức và cá nhân.

Ông Kazuo Saito, đại diện trường Đại học Tokyo Nhật Bản cũng chia sẻ một số vấn đề về thiên tai ở Việt Nam và Nhật Bản, các phương pháp dự báo mưa lớn cục bộ, mạng lưới quan trắc thời tiết bề mặt của cơ quan khí tượng Nhật Bản, kịch bản dự báo lượng mưa trong phạm vi ngắn của Nhật Bản, dự báo dựa trên tác động và dự báo tổng hợp để ước tính rủi ro thiên tai...

Các đại biểu tham dự cũng đã thảo luận, trao đổi các vấn đề liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ chương trình hội thảo này, trước đó đã diễn ra Lễ trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp Khọc và Công nghệ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu./.


Thắng Trung

Tin liên quan

Xem thêm